Chiều 25/4, tại Hà Nội, đoàn giám sát việc thực hiện chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) của Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT).
Cà phê chết khô vì hạn hán kéo dài ở Đăk Lăk, Tây Nguyên (Ảnh: Bùi Thủy)
Về phía Bộ NN&PTNT có đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; đồng chí Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đã báo cáo chi tiết về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long cũng như báo cáo về cân đối nguồn nước, vùng và tiểu vùng…
Theo đó, từ cuối năm 2014, do ảnh hưởng của El Nino mạnh, kéo dài nhất trong lịch sử, nền nhiệt độ tăng cao, lượng mưa và dòng chảy thiếu hụt. Hạn hán, xâm nhập mặn đã xảy ra gay gắt, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt là ở các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, từ cuối năm 2015 đến nay, lượng mưa trong khu vực rất thấp, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đạt dung tích thấp so với thiết kế và cùng kỳ nhiều năm, nhiều hồ nhỏ đã cạn nước, các đập dâng phần lớn không còn khả năng cung cấp nước, một số sông suối trên địa bàn không còn dòng chảy. Hạn hán đã xảy ra trên diện rộng ở Tây Nguyên (chiếm tới 70% diện tích canh tác khu vực Tây Nguyên) và Nam Trung Bộ; các tỉnh bị hạn hán nghiêm trọng như: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Trong khi đó, tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, do mùa mưa năm 2015 đến muộn, kết thúc sớm và không có lũ, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm (TBNN) gần 2 tháng; phạm vi xâm nhập mặn vào đất liền sâu nhất lên đến hơn 90 km (chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn), độ mặn lớn nhất tại các khu vực lớn hơn và vào sâu trung bình nhiều năm từ 10-25km. Đã có 11/13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, thiếu nước ngọt nghiêm trọng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: HNV)
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng nêu rõ, để ứng phó với diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn, Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp cấp bách đồng thời tập trung cho các giải pháp trung hạn và lâu dài.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tiếp tục có công điện chỉ đạo các bộ ngành và địa phương triển khai ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; thành lập các đoàn công tác liên bộ đến các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ để nắm bắt nhu cầu và hỗ trợ địa phương triển khai ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; tổ chức hội nghị giao ban theo từng khu vực để cập nhật tình hình và điều chỉnh, bổ sung các giải pháp ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai; tiếp tục tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Nhân dịp này, Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị: Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và huy động mọi lực lượng ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn. Trước mắt tập trung chủ yếu đảm bảo lương thực và nước sinh hoạt cho nhân dân, không để nhân dân thiếu đói và nước sinh hoạt hoặc phải mua nước với giá cao; bố trí kinh phí, kế hoạch đầu tư trung hạn bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 để thực hiện các dự án quy mô lớn, hệ thống thủy lợi lớn liên tỉnh phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; Tiếp tục huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ kinh phí mua lương thực, vận chuyển, cung cấp nước sinh hoạt và trang thiết bị lọc nước cho các tỉnh khu vực nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long; khẩn trương thực hiện giải ngân các nguồn vốn đã được hỗ trợ nhằm bảo đảm cho công tác chống hạn hán, xâm nhập mặn và ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, trước tình hình BĐKH như hiện nay, nông dân và nông nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng trước tiên và trực tiếp, do đó, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi trong sản xuất nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Với Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Bộ cũng đang tích cực triển khai các nội dung hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp có giá trị gia tăng bền vững. Với các chủ trương, đường lối chính sách khá tích cực, bằng nhiều bộ luật điều chỉnh quan trọng gồm: Luật Phòng chống thiên tai, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật đê điều…, hoạt động nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực mặc dù sản xuất nông nghiệp trong thời điểm hiện nay đang gặp nhiều thách thức khó khăn. Bộ trưởng cũng đề nghị cần thiết phải tăng cường năng lực quốc gia về giám sát dự báo, cảnh báo trong đó nhấn mạnh việc phòng chống biến đổi khí hậu và thiên tai phải dựa vào cộng đồng, dựa vào nhân dân là chính yếu và phòng tránh là chính. Đồng thời, cũng cần nhân rộng các mô hình tốt, hiệu quả để giảm phát thải mà vẫn tăng năng suất, đảm bảo thu nhập cho người nông dân.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ cùng các bộ ngành liên quan mà trước mắt là Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm ứng phó một cách hiệu quả với BĐKH và đảm bảo một nền sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ đi khảo sát tại Nam Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên, sau đó xây dựng kế hoạch phối hợp với các bộ ngành liên quan để phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hai cơ quan có thể bàn, phối hợp xây dựng bộ tài liệu về các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức một cuộc thi viết về các giải pháp, công trình của người dân, nhà khoa học; giới thiệu các mô hình hay nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời cần kêu gọi các nhà khoa học cung cấp các giải pháp để đất nước và các vùng đặc trưng ứng phó hiệu quả và thành công biến đổi khí hậu.
Nhấn mạnh biến đổi khí hậu tác động hàng ngày đến cuộc sống của từng gia đình, từng người dân Việt Nam hôm nay và mai sau, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân mong muốn tất cả mọi người dân cần cùng suy nghĩ, có trách nhiệm đóng góp trí tuệ, sức lực vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu, mỗi người dân có thể cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát việc thực hiện các Chương trình phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu của quốc gia và địa phương nơi mình sinh sống.../.
Hà Anh