Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, quân và dân ta đã làm thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ và tay sai. Riêng huyện Châu Đức đã thực hiện tiêu diệt, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, mở ra một vùng giải phóng rộng lớn từ khu vực Tam Long, tuyến Quốc lộ 51 (Phú Mỹ, Phước Hòa), tuyến Quốc lộ 56 (Bình Ba, Ngãi Giao, Kim Long, Xà Bang)…, buộc địch phải co cụm lại trong các đồn bốt, tạo điều kiện cho nhân dân bung ra làm chủ vùng giải phóng, đưa con em tòng quân nhập ngũ, tham gia vào đội quân của huyện Châu Đức. Ngày 8/3/1968, tại căn cứ Cây Đa (Núi Dinh), Đội cối huyện Châu Đức chính thức được thành lập. Do hầu hết thanh niên đều được bổ sung vào các đơn vị C41, công binh, trinh sát, nên tại thời điểm thành lập Đội cối chỉ có 4 người.
Sở dĩ có tên Đội cối là do lực lượng này được trang bị súng cối loại 60 ly, ban đầu còn kèm thêm 20 viên đạn. Đây là loại súng dùng rất có hiệu quả trong các trận đánh gần, có thể tiêu diệt các mục tiêu bị khuất lấp bởi vật cản, đồng thời có thể ngắm bắn từ các vị trí được che chắn tốt. Nhiệm vụ của đơn vị là sử dụng hỏa lực cối 60 ly chi viện cho Đại đội 41 thực hành tác chiến tiêu diệt địch trên địa bàn trong suốt quá trình Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, nhằm đánh bại kế hoạch hành quân lấn chiến vùng giải phóng của đối phương. Đến cuối năm 1969, Đội cối chính thức lấy tên Nữ Đội cối Châu Đức với 12 chiến sĩ nữ do bà Võ Thị Xuân làm Đội trưởng. Hầu hết các chị em lúc bấy giờ ở độ tuổi từ 16-18. Họ là những cô gái nông thôn hiền lành, chất phác, quyết tâm đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho cách mạng. Địa bàn hoạt động của Nữ Đội cối huyện Châu Đức ngày đó rất rộng, bao gồm toàn bộ địa bàn huyện Châu Đức, TX. Phú Mỹ và TP. Bà Rịa ngày nay. Bà Võ Thị Xuân nhớ lại: “Hồi đó đứa nào cũng nhỏ con nhưng hăng hái lắm, chúng tôi chẳng biết sợ là gì. Những năm tháng chiến tranh ở trong rừng lúc nào cũng đói. Tôi còn nhớ, có lần đói quá, tìm trái rừng ăn. Không biết trái gì nên chúng tôi cứ gọi là trái bí, tìm hoài chẳng có nữa. Vậy mà cũng cứ bám trụ, chiến đấu đến cùng”.
LẬP NÊN NHIỀU TRẬN THẮNG VANG DỘI
Theo lời kể của các dì, các mẹ Nữ Đội cối Châu Đức, năm 1972, quân địch dự định lấn chiếm tuyến lộ 2, từ xã Kim Long đến Xà Bang (huyện Châu Đức) để cắm thêm đồn bốt. Trước tình hình đó, Nữ Đội cối được lệnh phối hợp với công binh, trinh sát huyện chốt chặn dốc 30 Kim Long, đánh quyết liệt với Sư đoàn 18 ngụy và dùng cối khống chế địch ở Chi khu Đức Thạnh, làm cho địch không vào được vùng giải phóng Kim Long.
Năm 1973, để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định Paris, quân địch muốn chiếm lại vùng giải phóng Long Phước, Long Tân và một phần xã Hòa Long (đây là những vùng đã được giải phóng từ năm 1968). Chúng dùng lực lượng Sư đoàn 18 ngụy, Tiểu đoàn Cánh Dơi, Tiểu đoàn 372 địa phương tập trung pháo cối đánh vào vùng Long Phước, Long Tân. Nữ Đội cối đã phối hợp với D445-C34 công binh, trinh sát huyện Châu Đức chiến đấu nhiều ngày, giành giật với địch từng thước đất, gốc cây, bụi chuối, liên tục truy kích và dội những quả cối chính xác vào địch. Đêm 27 rạng ngày 28/1/1973, cùng với lực lượng vũ trang huyện Châu Đức, Nữ Đội cối đồng loạt thực hiện chủ trương “chồm lên chiếm lĩnh”. Kết quả ta áp sát Chi khu Long Lễ, Đức Thạnh và làm chủ trong 8 ngày 9 đêm. Cờ Mặt trận tung bay khắp nơi, cùng với toàn miền Nam, quân dân huyện Châu Đức đã giành nhiều thắng lợi, góp phần buộc đế quốc Mỹ phải ký hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đặc biệt, trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, tại Bà Rịa, Nữ Đội cối đã tập trung hết những quả đạn còn lại, bắn chính xác vào Chi khu Long Lễ, làm cho địch phải rút chạy, góp phần cùng quân và dân giải phóng hoàn toàn xã Hòa Long vào lúc 7 giờ ngày 27/4/1975.
Với tinh thần “không lùi bước trước hiểm nguy”, sau 8 năm xây dựng và trưởng thành cho tới cuộc Tổng tiến công và đại thắng mùa Xuân năm 1975, Nữ Đội cối Châu Đức lập nên nhiều trận thắng vang dội tại các địa bàn ác liệt, góp phần không nhỏ vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.