(QK7 Online) - Ngày 5/3, tại trụ sở Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật TPHCM, Hội nhà văn TPHCM tổ chức Lễ ra mắt, tọa đàm và giao lưu tập truyện và ký “Gãy cánh điệp viên” của tác giả Hồ Duy Hùng.
Tác giả Hồ Duy Hùng (bên trái) trong buổi ra mắt “Gãy cánh điệp viên”.
Tác giả Hồ Duy Hùng sinh năm 1947 tại Quảng Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là chiến sĩ điệp báo thuộc Ban Quân báo Quân khu Sài Gòn – Gia Định, Phòng Quân báo Miền. Sau năm 1975, tác giả là Đại úy phi công công tác tại Trung đoàn 917. Năm 1982, ông chuyển công tác về làm Chánh văn phòng Quận ủy Quận 1, TPHCM. Sau đó, ông làm Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty du lịch Phú Thọ. Năm 2008, Hồ Duy Hùng về hưu và làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến khối Quân báo Quân khu Sài Gòn – Gia Định (nhiệm kỳ 2014-2021).
Sinh thời, Anh hùng LLVT Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng, kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động, Quân khu Sài Gòn - Gia Định sau khi đọc bản thảo truyện ký của cựu quân báo Hồ Duy Hùng đã viết: “…Là người trực tiếp chỉ huy lực lượng Quân báo và Biệt động Sài Gòn Gia Định, tôi luôn trăn trở với biết bao con người và những chiến công chưa được biết đến. Tôi rất vui và xúc động khi đọc quyển sách này, nó làm tôi nhớ lại và biết thêm những gì mà cán bộ và chiến sĩ của mình đã làm, đã chịu đựng trong và sau chiến tranh. Tôi cũng vui là những người lính năm xưa khi trở về cuộc sống đời thường vẫn giữ được những phẩm chất quý báu của mình, luôn quan tâm đến đồng đội và nhớ mãi tình nghĩa của Nhân dân…”

Nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM phát biểu khai mạc.
Phát biểu khai mạc, nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cho biết: “Cảm ơn tác giả viết nên cuốn hồi ký rất hấp dẫn về những chiến sĩ quân báo, những người đã dâng hiến tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với tôi, ông không chỉ là chiếc lá non như mình đã nhận, mà chính là chiếc lá xanh trong đại ngàn của hy sinh, cống hiến và yêu thương”.
Tập sách dày gần 500 trang, có 14 chương, được xem như là lát cắt toàn cảnh trong bức tranh về hoạt động đặc thù của những người chiến sĩ quân báo trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tác giả Hồ Duy Hùng bộc bạch “Tôi viết lại một số chuyện mình biết hoặc mình làm để nhớ về thời giặc giã, tưởng nhớ những người đã hi sinh, cảm ơn các đồng đội, những người bà con thân yêu cũng như Nhân dân đã hết lòng giúp đỡ, cưu mang mình trong những ngày gian khổ.”
Những câu chuyện về hạ cánh giữa rừng sâu, chuyện tháo rời máy bay để vượt Trường Sơn ra Bắc làm “đạo cụ “ huấn luyện phi công chuẩn bị cho Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975… Và những chi tiết sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước như tham gia đánh thế lực chống phá ở Tây Nguyên, cắm mốc chủ quyền các đảo ở quần đảo Trường Sa, bảo vệ biên giới Tây Nam, bảo vệ biên giới phía Bắc tại tỉnh Lạng Sơn… Người đọc như được hòa mình vào từng trang viết, chứng kiến một Việt Nam đầy biến động trong nửa cuối thế kỷ XX với sự sống động và chân thực đến từng chi tiết.

Tác giả cùng khách mời giao lưu tại chương trình.
Nhà văn Trầm Hương chia sẻ: “Miệt mài hàng chục năm ròng rã để viết nên quyển sách này, tôi nghĩ cũng là cách tác giả trả món nợ ân tình. Một tác phẩm được viết bằng trải nghiệm máu thịt cuộc đời của một con người can đảm, với một tâm hồn lãng mạn, kiến văn rộng rãi. “Gãy cánh điệp viên” là một quyển sách quý, thật đáng đọc để tìm ra những ẩn số của một điệp báo trong không lực Việt Nam Cộng hòa được đưa sang Mỹ đào tạo, phải từ bỏ ước mơ bay trên bầu trời quê hương, những nỗ lực hàn gắn đổ vỡ mất mát và kiến tạo cuộc sống trong hòa bình…”
Năm 1968, ông được chọn vào nhóm các sinh viên sĩ quan được chọn học Anh ngữ phi hành. Tháng 12 năm 1969, sau khi tốt nghiệp sinh ngữ từ trường sinh ngữ quân đội, Hồ Duy Hùng trải qua một kỳ sát hạch khắt khe với nhiều thí sinh, cuối cùng ông được chọn đi học lái trực thăng UH-1 tại Mỹ.
Báo chí đưa tin về sự kiện chấn động trực thăng bị đánh cắp giữa trung tâm Đà Lạt.
Tháng 10 năm 1970, Hồ Duy Hùng trở về nước với quân hàm Thiếu úy, lái máy bay trực thăng ở Nha Trang. Cũng trong giai đoạn này, ông được tổ chức bí mật chuyển sang công tác quân báo thuộc Quân khu Sài Gòn - Gia Định.
Ngày 7 tháng 11 năm 1973, một chiếc trực thăng UH-1 trên đường từ Đắk Nông bay về Sài Gòn đã hạ cánh xuống ven bờ hồ Xuân Hương. Phi hành đoàn vừa đi khuất dạng sau bùng binh trước cửa vào chợ Đà Lạt, Hồ Duy Hùng đã bí mật lẻn vào buồng lái máy bay, nổ máy, bay thẳng về Bến Cát dọc theo dãy Trường Sơn với tầm thấp nhằm tránh hỏa lực từ hai phía. Theo kế hoạch ở vùng giải phóng Dầu Tiếng có chuẩn bị một bãi đáp trực thăng, nhưng hôm đó thời tiết khá xấu, về gần đến nơi thì máy bay sắp hết dầu, phi công Hồ Duy Hùng phải hạ cánh máy bay xuống gần hồ Dầu Tiếng, trong rừng cao su thuộc xã Thạnh An – Bến Cát ngày nay.
Lê Tiến