Tiếng tăm về đồn Rạch Cát đã vang xa, được nhiều người biết đến. Đồn được Pháp xây dựng vào năm 1903, ròng rã suốt 7 năm mới hoàn thành và được mệnh danh là một trong những pháo đài lớn nhất Đông Dương. Vốn thuộc quản lý của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An nên việc ra vào, tham quan Khu di tích Đồn Rạch Cát cần tuân thủ một số quy định cụ thể, không phải vị khách lỡ đường nào cũng có thể ghé lại, bước qua cánh cổng sắt dày nhuốm màu thời gian nơi bức tường thành vĩ đại của đồn Rạch Cát.
Nằm dọc bờ sông nên đồn là điểm cuối của Đường tỉnh 826B. Đồn có 3 mặt giáp sông: Phía Đông giáp sông Soài Rạp, phía Nam giáp sông Vàm Cỏ, phía Bắc giáp sông Rạch Cát. Đó cũng là lý do vì sao đồn có tên là Rạch Cát. Nằm lẻ loi ở khu vực bờ sông, đồn Rạch Cát nổi bật với bức tường thành uy nghi, vững chãi với nhiều lỗ châu mai. Qua gần 1 thế kỷ tồn tại, bức tường thành đã phủ bụi thời gian. Cánh cổng sắt lớn chi chít vết đạn găm là minh chứng cho một giai đoạn lịch sử của dân tộc.
Đồn Rạch Cát được biết đến là một công trình đồ sộ, có ý nghĩa chiến lược trong quân sự, được thực dân Pháp xây lên nhằm chống lại sự tranh giành thuộc địa của các đế quốc khác. Vì là căn cứ quân sự quan trọng, kiểm soát được cả 3 con sông lớn: Rạch Cát, Vàm Cỏ, Nhà Bè, khống chế khu vực Cần Giờ - Vũng Tàu và khống chế cả đường thông thương giữa biển với đất liền nên đồn Rạch Cát được xây dựng kiên cố, được xem là có thể chống lại tất cả các loại đạn, pháo thời điểm đó. Những dấu tích uy nghi còn lại của đồn là minh chứng cụ thể cho điều đó.
Đồn được xây dựng gồm 3 tầng hầm và 2 tầng nổi, có thiết kế đối xứng như hình cánh cung. Đầu 2 cánh cung là 2 ụ pháo lớn, có thể xoay 360 độ nhằm linh hoạt trong việc kiểm soát chiến trường. Có thông tin cho rằng, 2 khẩu trọng pháo có thể bắn xa hơn 20km và đã được Pháp di chuyển đi nơi khác vào khoảng sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Giờ đây, đến tham quan đồn Rạch Cát, khách ghé thăm có thể tận mắt nhìn 2 ụ pháo còn lại ở đồn để hình dung sự quy mô, đồ sộ của pháo đài từng một thời lừng lẫy.
Vừa bước qua cánh cổng thép, chúng ta sẽ gặp ngay hành lang nhỏ chạy dọc những căn phòng trống, cuối hành lang là cầu thang đi lên ụ pháo. Và mỗi một góc nhỏ tại pháo đài trăm tuổi ấy đều mang trong mình những câu chuyện kể. Những hồ nước lớn trong đồn là câu chuyện kể về sự khắc nghiệt của thiên nhiên tại khu vực cù lao Long Hựu. Vì đồn trú đóng tại nơi chỉ toàn nước mặn nên việc trữ nước là điều cấp thiết và được quan tâm hàng đầu. Chính vì vậy, các hồ nước là một phần quan trọng không thể thiếu trong thiết kế xây dựng đồn Rạch Cát.
Bên cạnh đó, đồn Rạch Cát đâu chỉ là một pháo đài đồ sộ, qua từng giai đoạn lịch sử, đồn được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Từng có giai đoạn, đồn là “điểm giết người tập trung” của thực dân Pháp. Căn phòng vốn là nhà máy phát điện đã trở thành xà lim giam các chiến sĩ cách mạng và người dân vô tội. Khu vực cầu tàu gần đồn từng là địa điểm Pháp xử bắn hàng loạt chiến sĩ cách mạng của ta. Đến giai đoạn Mỹ xâm chiếm Việt Nam, đồn Rạch Cát lại được mệnh danh là khám Bình Xuyên.
Đằng sau những bức tường thành ngoài trăm tuổi là câu chuyện về một giai đoạn lịch sử của một vùng qua bao thăng trầm, thay đổi.