(QK7 Online) - Tháng Tư về, trong lòng Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị Quân đoàn 4 lại nôn nao khắc khoải. Ngày vui của đất nước, ông lặng lẽ lật từng trang nhật ký một thời hoa lửa, đến thăm lại chiến trường xưa, ôn lại quá khứ hào hùng và tưởng nhớ về đồng đội đã hy sinh.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh thăm lại chiến trường xưa, xúc động nhớ về đồng đội.
Nhiều lần vượt qua cửa tử
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh sinh năm 1939, quê ở Sóc Sơn, Hà Nội. Cuộc đời binh nghiệp gắn liền chiến trường miền Đông Nam Bộ với nhiều trận đánh từ giải phóng Chi khu Đồng Xoài, Phước Long, Chi khu Định Quán, Lâm Đồng, Xuân Lộc, Long Khánh, Chiến dịch Nguyễn Huệ, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử...
Ông bồi hồi nhớ lại, ngày 10/8/1966, tham gia trận đánh đầu tiên tại đường 10 - Vĩnh Thiện (nay là huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141, Sư đoàn 7 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Doanh chỉ huy đã chiến đấu quyết liệt với lực lượng biệt kích của địch. Không may trong lúc giao chiến, 2 đồng đội của ông đã hy sinh, còn ông bị bắn vỡ xương hàm, chân bị bắn rách toác cơ đùi. Trên đường lui về còn phải chịu thêm thương tích do bom của địch gây ra. Do mất nhiều máu và thương tích nặng nên đồng đội tưởng ông đã chết. Tuy nhiên, phép màu đã đến, trong lúc an táng cho ông thì đồng đội thấy chân ông còn ấm nên đã ngừng việc chôn lấp, cõng ông về cứu chữa.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh nhớ về những liệt sĩ Quân đoàn 4.
Lằn ranh giữa sống và chết lại đến với ông vào tháng 3/1969, trên cương vị Chính trị viên Tiểu đoàn 1, ông cùng đồng đội đánh trận Dầu Tiếng (Tây Ninh). Khi ấy, kỵ binh thiết giáp của chính quyền Sài Gòn dùng bom Napan thả khiến ông và đồng đội bị thương rất nhiều. Trên đường cơ động về, bị địch đánh chặn đường, Chính trị viên Nguyễn Ngọc Doanh lại bị mảnh bom văng vào đầu. Ông bị ngất, đồng đội khiêng về cấp cứu, mổ sống lấy mảnh bom ra. Hai tháng sau, ông quay lại đơn vị tham gia đánh trận Tà Tê (Bù Đăng, Bình Phước), trong trận đánh đó, ông tiếp tục bị thương vào đầu gối. Do không được điều trị kịp thời khiến cơ chân bị teo, di chứng lên tận thần kinh sọ não.
Tàu Ô rực lửa
Trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, Sư đoàn 7 phối hợp LLVT tỉnh Bình Phước chốt chặn Tàu Ô, tấn công, ngăn chặn địch trên đường 13 dài gần 20km (đoạn từ phía Nam Bình Long đến phía Bắc Chơn Thành), trọng điểm là khu vực Tàu Ô, không cho địch từ Chơn Thành lên và từ Bình Long xuống, để quân ta giải phóng Lộc Ninh và tiến công thị xã An Lộc. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh kể lại: "Lựa chọn Tàu Ô để lập chốt chặn, vì nơi đây có suối Tàu Ô, có cống to, xe tăng của địch không thể vượt qua được. Tuyến đường này có ý nghĩa chiến lược do áp sát Sài Gòn. Hơn nữa, có giữ được đường 13 thì chúng ta mới giữ được địa bàn Lộc Ninh, đưa Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam về căn cứ cách mạng”.
Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh thăm lại chiến trường xưa, xúc động nhớ về đồng đội.
Để khơi thông đường 13, địch huy động lực lượng lớn gồm không quân, xe tăng, thiết giáp, bộ binh, pháo binh đánh phá mạnh vào khu vực Tàu Ô-Xóm Ruộng. Thực hiện phương châm chỉ đạo chiến dịch “chốt cứng, chặn đứng”, trải qua 150 ngày đêm chiến đấu, từ ngày 5/4 đến 28/8/1972, Sư đoàn 7 cùng quân và dân địa phương đánh bại các cuộc tiến công, tiêu diệt hơn 8.000 tên địch, bắt 211 tên, bắn rơi và phá hủy 119 máy bay, 202 xe các loại, 102 khẩu pháo, 20 hầm đạn... Địch thiệt hại nặng, buộc phải từ bỏ ý đồ giải tỏa đường 13. Chiến thắng Tàu Ô góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Nguyễn Huệ và cuộc tập kích chiến lược xuân - hè năm 1972, buộc địch phải trở lại đàm phán tại hội nghị Paris.
Nhiệm vụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 29/4/1975, trong lúc tiến quân thọc sâu vào Sài Gòn, khi đến Hố Nai, Sư đoàn 7 bất ngờ bị “tiểu đoàn cọp đen”, xe tăng chôn giấu trong các công sự và lính bảo an của địch ẩn nấp trên tháp chuông của các nhà thờ ngăn chặn, tấn công quyết liệt. Hai xe tải chở quân giải phóng bị trúng đạn, khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Trước tình hình đó, Sư đoàn 7 dừng lại tổ chức lực lượng tiêu diệt địch, rồi tiếp tục hành tiến theo hướng cầu Ghềnh. Tuy nhiên cây cầu bị địch đánh sập 2 nhịp, buộc quân ta phải vòng ra Biên Hòa di chuyển theo xa lộ Biên Hòa – Sài Gòn. Khi đến cầu Thị Nghè, xe của quân giải phóng tiếp tục bị cản trở bởi các chướng ngại vật của địch dựng lên như thùng phi, bao cát. Ngay sau giải phóng, Sư đoàn 7 là 1 trong 3 Sư đoàn thuộc Quân đoàn 4 được giao làm nhiệm vụ quân quản thành phố.
Hàng chục năm qua, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh vẫn lặng lẽ về các chiến trường xưa đi tìm đồng đội.
Giờ đây bước sang tuổi 86, mái tóc bạc trắng. Đôi chân ngày nào băng rừng, vượt suối, xốc tới chiến trường nay đã đi chậm lại, sức khỏe dần yếu đi, nhưng Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh vẫn đau đáu về những đồng đội đã hy sinh. Và đôi chân ấy hàng chục năm nay vẫn lặng lẽ về các chiến trường xưa đi tìm đồng đội, đến nay đã phối hợp với các cơ quan chức năng tìm được gần 300 hài cốt liệt sĩ và đưa về an nghỉ ở quê hương. Đó là cái nghĩa, cái tình của vị tướng già dành cho đồng đội đã hy sinh, để đất nước “nở hoa độc lập”.
Bạch Thiết