Xuất thân từ những hoàn cảnh, trình độ văn hóa khác nhau nên chiến sĩ mới nhập ngũ vào đơn vị mỗi người một diễn biến tâm lý khác nhau. Kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng của bộ đội là một biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng huấn luyện. Trong số 486 tân binh nhập ngũ vào đơn vị có 26 đảng viên, 30 trung cấp, 56 cao đẳng, 14 đại học, số còn lại chủ yếu văn hóa cấp III. 23 con em cán bộ công chức, viên chức, 18 chiến sĩ là con, cháu gia đình thương binh, liệt sĩ, có công với cách mạng, có 7 chiến sĩ đã có vợ, 3 trong số này đã có con. 17 chiến sĩ có hoàn cảnh đặc biệt như cha mẹ li dị, mất cha hoặc mất mẹ, sống với bà ngoại, cha, mẹ bị bệnh nan y, gia đình nợ nần túng bấn...
Theo Đại úy Nguyễn Quốc Khánh - Chính trị viên Tiểu đoàn, kinh nghiệm nhiều năm huấn luyện chiến sĩ mới cho thấy phải kịp thời thống kê hoàn cảnh gia đình từng chiến sĩ, thực hiện quản lý tư tưởng bộ đội theo nhóm. Khai thác các thông tin có thể tác động đến tư tưởng chiến sĩ như: Hoàn cảnh hậu phương gia đình; điều kiện kinh tế, tình hình sức khoẻ của người thân; môi trường và công việc trước khi chiến sĩ nhập ngũ vào đơn vị… đây là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, tư tưởng của chiến sĩ, cần nắm để có biện pháp tư tưởng phù hợp. Mặt khác, qua thông tin này còn nắm được sở thích, thế mạnh và nhất là suy nghĩ của bộ đội khi vào môi trường quân đội, động cơ phấn đấu, nguyện vọng cá nhân… từ đó có biện pháp giáo dục, tác động hiệu quả và nhân rộng, làm gương.
Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh và Ban chỉ huy Trung đoàn 738 thăm hỏi chiến sĩ mới nhập ngũ vào đơn vị
Đối với nhóm chiến sĩ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, hạnh phúc gia đình không được “tròn đầy”; bố (mẹ, vợ hoặc con) ốm đau…, chỉ huy đơn vị thường xuyên nắm chắc diễn biến tư tưởng, chủ động chia sẻ, động viên, khuyến khích họ vượt qua mặc cảm, sống hòa mình cùng tập thể, đồng thời thường xuyên phân công người giúp đỡ, tránh để bộ đội rơi vào mặc cảm, tiêu cực.
Bên cạnh những biện pháp nắm bắt diễn biến tư tưởng bộ đội, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 738 còn tổ chức gặp gỡ thân nhân gia đình chiến sĩ mới. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, địa phương thông báo về kết quả rèn luyện của từng chiến sĩ, bên cạnh đó yêu cầu gia đình, địa phương nhắc nhở con em mình trong thời gian nghỉ phép không tham gia các tệ nạn xã hội, chấp hành quy định về an toàn giao thông, động viên trả phép đúng thời gian, tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ tại ngũ. Từ cách làm này đã cho thấy hiệu quả tốt, không còn trường hợp đi trễ phép, chấm dứt được hiện tượng bộ đội vi phạm kỷ luật, bảo đảm được an toàn giao thông; khi trở lại đơn vị thì phấn khởi, tích cực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thực hiện tốt công tác nắm bắt diễn biến tư tưởng bộ đội, nên nhiều năm qua, quan hệ giữa đồng chí, đồng đội ở Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 738, Bộ CHQS tỉnh Long An như một gia đình lớn, cán bộ chiến sĩ trong đơn vị luôn đoàn kết, tôn trọng, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau, hiện tượng ngại khó, ngại khổ, thoái thác nhiệm vụ, đùn đẩy công việc đã không còn xuất hiện. Trung đoàn luôn hoàn thành tốt các khóa huấn luyện chiến sĩ mới và nhiệm vụ huấn luyện SSCĐ được giao.