(QK7 Online) - Tổng kết 11 tháng đầu năm, Bảo tàng lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ đã đón tiếp hơn 131.000 khách tham quan. Trong tháng 12, hướng đến kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, hằng ngày có nhiều đoàn đến với bảo tàng tham quan, tìm hiểu. Đây là nơi góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ, đặc biệt là người trẻ.
“Địa chỉ đỏ” trong giáo dục tình yêu nước
Cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc đã qua đi nhưng những chiến công hào hùng vẫn sống dậy mãi trong lòng Nhân dân Việt Nam. Sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi (4/1975), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 có chủ trương tập trung sưu tầm hình ảnh, tài liệu, hiện vật, xây dựng bảo tàng nhằm giới thiệu một cách đầy đủ, toàn diện quá trình ra đời, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu. Đồng thời, bảo tàng là nơi phát huy các giá trị di sản văn hóa quân sự, phục vụ nghiên cứu, học tập, tham quan của bộ đội, người dân và du khách quốc tế.
Học sinh các trường tiểu học tại quận Tân Bình tìm hiểu về những vũ khí sáng tạo của quân và dân ta.
Ông Dao Vỹ Chí, Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Chi Lăng chia sẻ: “Thông qua một buổi học ngoại khóa, các em được lắng nghe, nhìn thấy từng hiện vật của cuộc chiến tranh mà quê hương mình đã trải qua sẽ khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ măng non đối với các thế hệ cha ông ta”.
Trăm nghe không bằng một thấy, không chỉ học tập lý thuyết, để hiểu rõ hơn những sự sáng tạo, những trận đánh đi vào huyền thoại một cách tường tận, nhiều trường đã tổ chức cho học sinh được tham quan và lắng nghe hướng dẫn viên nói về những trang sử của bộ đội miền Đông. Đặc biệt, đối với trẻ mầm non, để giáo dục được tình yêu quê hương đất nước phải bằng những hành động cụ thể, nhiều trường thường xuyên tổ chức cho trẻ những hoạt động ngoại khóa, trong đó đặc biệt tổ chức tham quan tại Bảo tàng Quân khu 7.
Trẻ mầm non thích thú lịch sử qua những trải nghiệm thực tế.
Bà Huỳnh Thị Bích Phương, Phó hiệu trưởng trường Mầm non Sao Vàng cho biết, những trẻ mầm non mặc trên mình bộ “quân phục”, “cờ đỏ sao vàng” đến với địa chỉ đỏ thì trước hết trong lòng các em đã một chút về tình yêu quê hương đất nước, sau khi đi tìm hiểu về những chiến công các bé đã hào hứng hơn nữa và trong thời gian sắp tới các em sẽ có nhận thức nhiều hơn về hình ảnh chú bộ đội và tình yêu dành cho quê hương, đất nước.
Bước tiếp dưới quân kỳ quyết thắng
Giới trẻ Việt Nam rất quan tâm đến lịch sử, vấn đề cần phải có cách để thu hút sự tò mò, say mê tìm hiểu của giới “Gen Z”. Ban giám đốc bảo tàng đã xây dựng website, lập fanpage trên mạng xã hội, đăng tải các bài viết giới thiệu qua đó để nhiều bạn trẻ biết và đến với bảo tàng. “Trong suốt thời gian qua, tôi đã đi rất nhiều bảo tàng tại TPHCM, tuy nhiên lần này đến Bảo tàng Quân khu 7 khi nhìn thấy những hiện vật đặc biệt này càng thôi thúc tôi lòng yêu nước và mong muốn phấn đấu phát huy truyền thống dân tộc tốt đẹp” em Nguyễn Trương Nhi, sinh viên năm 2, Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình 2 hào hứng.
Những khí tài quân sự được trưng bày tại triển lãm.
Thời gian tới, bảo tàng tiếp tục đẩy mạnh việc số hóa hiện vật, đẩy nhanh tiến độ nhập liệu thông tin hiện vật vào phần mềm quản lý, bổ sung các phần còn thiếu trong hồ sơ tài liệu hiện vật (hình ảnh, thông tin…), thành lập kho dữ liệu (big data) trên không gian mạng để có thể phục vụ tra cứu thông tin. Bảo tàng cho ứng dụng mã quét QR tại các triển lãm chuyên đề nhằm mở rộng không gian trưng bày, nâng cao tính thẩm mỹ nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin đến người tham quan.
Bảo tàng đang lưu giữ, quản lý trên 20.000 tài liệu hiện vật, hình ảnh, trong đó có hơn 8.000 ảnh tư liệu, hơn 10.000 tài liệu hiện vật gốc. Trong đó, nhiều hiện vật về vũ khí, thiết bị quân sự mà LLVT Quân khu 7 đã sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ.
Chiến sĩ Lữ đoàn 23 cùng các "chiến sĩ nhí" tìm hiểu về thiết bị quân sự ngành thông tin liên lạc trong kháng chiến.
Trung úy Nguyễn Hoài Lâm, Đại đội 1, Tiểu đoàn 40, Lữ đoàn 23 cảm nhận sau khi tham quan, thông qua những hiện vật, tôi hiểu thêm về truyền thống tốt đẹp của quân đội ta đặc biệt trong đó có những hiện vật về ngành thông tin liên lạc. Khi về đơn vị tôi sẽ mang những kiến thức được nhìn thấy, nghe thấy để truyền đạt cho chiến sĩ về truyền thống của bộ đội thông tin "Kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn" trong mọi tình huống.
Lê Tiến, Nguyễn Hoàng