Trong một lần ghé thăm Tòa soạn Báo Tây Ninh, bác Nguyễn Tấn Hùng, nguyên Trưởng ban Thư kí Tòa soạn Báo Tây Ninh- một người thầy của tôi, có nhắc đến một chi tiết: trong những năm chiến tranh, Trung ương cục miền Nam có tổ chức một đường dây liên lạc từ đất liền ra Côn Đảo, nhằm nắm chắc tình hình ở đây, kịp thời chỉ đạo, chia sẽ, động viên, phối hợp đấu tranh cùng các tù chính trị, tù yêu nước giữ vững khí tiết cách mạng ngay trong lòng kẻ thù, góp phần tăng thêm sức mạnh để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhận thấy đây là đề tài lạ, hấp dẫn, chúng tôi quyết định lần theo những nhân chứng, để làm sáng tỏ thêm kì tích, khí chất anh hùng, bất khuất, can trường của những cựu tù một thời ở giữa “hang hùm, miệng sói”.
Kì 1: Tìm về khởi nguồn đầu dây liên lạc
Theo bác Nguyễn Tấn Hùng, năm 2005, trong dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tại khu di tích căn cứ Trung ương cục miền Nam, có cuộc hội ngộ đầy xúc động của các cựu tù chính trị Côn Đảo thành phố Hồ Chí Minh. Trong cuộc hội ngộ này, các cựu tù bất khuất, kiên trung, từng chia nhau tấm áo, hạt muối cắn đôi trên đảo tù ngày ấy, đã nhắc về một đường dây đặc biệt, đường dây liên lạc giữa tù chính trị Côn Đảo với cơ quan lãnh đạo cách mạng – Trung ương cục miền Nam thông qua tỉnh uỷ Tây Ninh.
Trước Đồng khởi, Xứ uỷ Nam bộ, sau là Trung ương cục miền Nam có điều động một cán bộ là anh Nguyễn Văn Khuynh ( Hai Khuynh, còn có tên là Trương Minh, tự Thành) về Tây Ninh làm công tác binh vận. Anh Hai Khuynh xuất thân là nhà giáo, rất giỏi ngoại ngữ, cả tiếng Anh, tiếng Pháp lẫn tiếng Tàu. Anh từng có thời làm Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng. Năm 1959, trên đường công tác ở Phước Vinh, Châu Thành, Tây Ninh, Hai Khuynh bị bắt, tạm giữ ở gò Băng Dung. Lúc bấy giờ Tỉnh uỷ Tây Ninh có kế hoạch tổ chức một đơn vị mật dưới danh nghĩa lực lượng giáo phái định đột kích giải cứu Hai Khuynh, nhưng không kịp, anh đã bị địch giải về khám đường Tây Ninh, ở ngay bên hông Toà soạn Báo Tây Ninh ngày nay.
Ở khám Tây Ninh, Hai Khuynh bị giam chung với Ba Thưa. Dương Văn Thưa là Bí thư huyện uỷ Gò Dầu, cũng là người phụ trách giao liên của Tỉnh uỷ Tây Ninh. Trong tù, Ba Thưa vẫn giữ mối liên lạc với Tỉnh uỷ. Nhờ vậy, Tỉnh uỷ biết được và thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, gửi quà cho các đồng chí bị bắt, thông qua thân nhân của họ được vào thăm nuôi.
Một thời gian Hai Khuynh bị đưa về Chí Hoà, tại đây Hai Khuynh tham gia Đảng uỷ nhà lao cùng với Tám Ký ( Nguyễn Xuân Ký, nguyên Tỉnh uỷ viên Mỹ Tho), Tư Thuật ( nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định) cùng nhiều đồng chí khác. Biết mình sắp bị đày ra Côn Đảo, Hai Khuynh bàn với Tám Ký tìm cách liên lạc với Trung ương cục để xin ý kiến chỉ đạo hoạt động, đấu tranh trong nhà tù. Tám Ký rất mừng, dặn Hai Khuynh móc nối gấp và hết sức bí mật, chuyện này mà bể ra thì tai hoạ khôn lường. Con đường móc nối vẫn là qua việc thăm nuôi. Lúc này có anh Huỳnh Văn Lanh, nguyên là Đội trưởng đội bảo vệ Tỉnh uỷ Tây Ninh. Anh em viết thư bằng tiếng lóng, viết bằng nước cơm trên những mảnh giấy thật mỏng, vo tròn, nhét vào gấu áo để qua mắt bọn cai ngục. Một lần, vợ anh Huỳnh Văn Lanh vào thăm nuôi chồng và chuyển về tới Tỉnh uỷ một bức thư của anh em, từ bức thư của Hai Khuynh, bác Nguyễn Văn Hải đã lập tức báo cáo về trên, đồng chí Mười Cúc ( Nguyễn Văn Linh, Bí thu Trung ương cục) rất quan tâm đến chuyện này và giao cho bác Hải trực tiếp tổ chức đường dây liên lạc với anh em tù chính trị ở Côn Đảo. (Bởi lúc này Hai Khuynh cũng đã bị địch đày ra Côn Đảo).
Nhận nhiệm vụ của Trung ương cục giao, bác Hải đã thiết lập mốt đường dây liên lạc từ Tây Ninh về tới Sài Gòn. Trong đường dây này có bà Lê Thị Lan- Út Lan (là vợ của Hai Khuynh). Út Lan được giao nhiệm vụ làm đầu mối giao liên tại Sài Gòn để nhận thư từ Côn Đảo gửi về. Mỗi khi lên Tây Ninh, chị Lan ở nhà một cơ sở là người bà con ở Long Hoa. Cơ sở này là một chức sắc cao cấp trong đạo Cao Đài. Đường dây này, còn có một người cháu của Út Lan là sinh viên đang theo học ở Sài Gòn, có tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh nên có nguy cơ bị lộ, bị bắt lính. Đó là anh Lâm Minh Trung (Năm Trung)- sau này là Giám đốc Công an Tây Ninh, rồi làm Phó Viện trưởng Viện lịch sử Bộ Công an. Lúc này, để dễ bề hoạt động, bác Bảy Hải đã đưa Năm Trung vào làm thư ký cho bác Tô Lâm, Trưởng ban an ninh tỉnh (bácTô Lâm tên thật là Tô Thanh, là thân phụ của đồng chí Tô Lâm, Bộ trưởng bộ Công an hiện nay).
Từ đó Năm Trung là một mắt xích trong đường dây, có nhiệm vụ liên lạc với chị Út Lan để chuyển thư từ của Trung ương cục, của Tỉnh uỷ Tây Ninh ra Côn Đảo và nhận thư từ, tài liệu, báo cáo của anh em từ Côn Đảo gửi về…