Huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng có hơn 70% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Được sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng hành, giúp sức của các ban, ngành và LLVT huyện, đời sống vật chất và tinh thần của bà con từng bước được nâng lên, xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Đường trung tâm xã Đạ Chais được trải nhựa, thuận lợi cho đi lại, giao thương hàng hóa
Đạ Chais là xã vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm huyện Lạc Dương gần 60km, với dân số đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 86%, chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp. Thời gian qua, xã Đạ Chais đã triển khai thực hiện một số chương trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn để phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân, như: đường trung tâm xã giai đoạn II; Dự án Bảo tồn làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của dân tộc K'Ho tại thôn Đưng K’Si. Đây là thôn có 100% đồng bào dân tộc K'Ho, còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa Tây Nguyên.
Đường vào thôn Đưng K'Si được đổ bê tông sạch đẹp
Ông Bon Tô Ha Diêng, 55 tuổi, Chủ tịch Hội người cao tuổi của xã hiện đang là thành viên tích cực của đội văn hóa cồng chiêng thôn Đưng K’Si. Nhờ Dự án Bảo tồn làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của dân tộc K'Ho mà cuộc sống của gia đình ông và một số hộ dân ngày càng ổn định hơn. Sau thời gian lên rẫy chăm sóc cà phê, bà con đội văn hóa cồng chiêng tranh thủ phục vụ, hướng dẫn khách tham quan tìm hiểu nét đẹp văn hóa dân tộc K’Ho, biểu diễn nhạc cụ dân tộc.
Ông Bon Tô Ha Diêng (bìa trái) và đội cồng chiêng (nam) thôn Đưng K’Si luyện tập nhạc cụ dân tộc.
Trong căn nhà gỗ được xây theo kiểu truyền thống của người K’Ho trị giá 500 triệu đồng, ông Ha Diêng chia sẻ về quá trình sinh sống, lập nghiệp nơi vùng núi cao này. Là một nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của xã, với 2ha cà phê, ông trồng xen canh hoa màu, mỗi năm thu hoạch trên 10 tấn hạt tươi, giá bán 20.000 đồng/kg, mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình ông còn nhận trông coi, bảo vệ rừng và chăn nuôi đàn bò, heo hàng chục con. Con cái đều đã trưởng thành, dựng vợ gả chồng cả rồi. Cuộc sống tuổi già của ông lại tất bật với nhiệm vụ của Chủ tịch Hội người cao tuổi, cùng với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động, giải thích cho đồng bào biết, nắm rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn xã, địa bàn khu dân cư là để phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân. Ông chia sẻ: “Người ta thường nói “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, là một đảng viên, bản thân phải gương mẫu trong lời ăn tiếng nói, trong lối sống và trong cách làm ăn, nuôi trồng. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi tham gia các buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tôi tuyên truyền cho bà con hiểu thêm về Luật Đất Đai, Luật Hôn nhân gia đình. Do vậy mà nhiều năm qua ở thôn Đưng K’Si không còn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, một số hủ tục lạc hậu không còn”.

Ông Bon Tô Ha Diêng chia sẻ về quá trình lập nghiệp nơi vùng đất này.
Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Đảng ủy, UBND xã Đạ Chais đã quan tâm xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình; bình xét hỗ trợ làm nhà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách; hỗ trợ phân bón, cây, con giống; cấp thẻ BHYT... cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Qua đó, từng bước giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống dân trí, vật chất, tinh thần cho bà con.
“Đến nay, đời sống của bà con có bước phát triển mới. Các hộ tập trung chuyên canh trồng cà phê, nhận khoán, bảo vệ rừng. Đặc biệt, vừa qua Sở Văn hóa và UBND huyện Lạc Dương đã đầu tư, xây dựng làng văn hóa Đưng K’Si để khôi phục lại văn hóa của đồng bào dân tộc K’Ho kết hợp làm du lịch, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con”, đồng chí Kơ Să Ha Khiên, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Chais, khẳng định.
Đối với cán bộ, chiến sĩ LLVT, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện về quỹ đất, đầu tư xây dựng thao trường, bãi tập kết hợp khu tăng gia sản xuất, vừa thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, vừa tổ chức trồng trọt, chăn nuôi, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ.
Điển hình như Ban CHQS thị trấn Lạc Dương được địa phương cấp 1,7ha để xây dựng thao trường, bãi tập kết hợp khu tăng gia sản xuất. Đơn vị đã tiến hành quy hoạch khu huấn luyện dân quân, khu trồng trọt, chăn nuôi; kết hợp với Đoàn Thanh niên địa phương thực hiện mô hình trồng các loại cây ngắn ngày tạo nguồn quỹ cho các hoạt động phong trào của đơn vị. Ngoài ra, lợi nhuận từ tăng gia sản xuất đã đưa vào ăn thêm cho cán bộ, chiến sĩ dân quân.
Mô hình trồng cây ngắn ngày tại Ban CHQS thị trấn Lạc Dương.
Trực tiếp thực hiện mô hình này, đồng chí Lơ Mu Ha Thiêm, Chính trị viên phó Ban CHQS thị trấn Lạc Dương cho biết: “Khi xây dựng mô hình này, chúng tôi đã nghiên cứu, học hỏi rất kỹ từ các nhà vườn để lựa chọn cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, cũng như khả năng của đơn vị, bảo đảm sau mỗi mùa vụ có được nguồn thu, bổ sung vào các hoạt động đơn vị”.
Dẫu còn nhiều gian khó, song với cách nghĩ, cách làm sáng tạo, đổi mới, cấp ủy, chính quyền và các ban ngành địa phương đã đồng hành cùng bà con dân tộc thiểu số phát huy hiệu quả những mô hình trồng cà phê, khoai lang, trồng rau, hoa trong nhà lưới… Cùng với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bản địa gắn với dịch vụ, du lịch sinh thái, sẽ tạo động lực, cơ hội phát triển bền vững về kinh tế xã hội của địa phương.
Thu Cúc - Lê Tiến