LLVT quận Tân Phú, TP.HCM hỗ trợ gạo giúp người dân khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: Tấn Chí
Đã hơn 1 tháng TP.HCM giãn cách xã hội, cũng là khoảng thời gian thành phố mang trong mình đầy vết thương do đại dịch Covid-19 gây ra. Đây không phải lần đầu tiên thành phố giãn cách nhưng có lẽ đây là đợt giãn cách lâu nhất, nặng nề nhất và hiện vẫn đang diễn biến phức tạp, rất cần sự chung tay, “hợp đồng tác chiến” của toàn xã hội để chiến thắng dịch bệnh.
Khác với không khí nhộn nhịp, sôi động mà mọi người vẫn thường hay nhắc đến khi nói về Sài Gòn, “một thành phố không bao giờ ngủ”. Vậy mà cũng có lúc thành phố ấy vắng lặng đến lạ thường. Chẳng còn những cảnh kẹt xe đặc trưng hay những buổi tụ tập, “tám” chuyện của người dân ở công viên, các tụ điểm vui chơi đông đúc như chợ Bến Thành, phố tây Bùi Viện… Thay vào đó là những con đường lác đác chỉ vài bóng người, khắp các công viên, quảng trường đều bị căng dây phong tỏa, những tiếng xe cứu thương đưa người đi cách ly vội vã đến đau lòng…
Những con đường tại TP.HCM lác đác vài bóng người. Ảnh : Mạc Kim
Đặc biệt hình ảnh đầy xúc động của cháu bé 5 tuổi, ngoan ngoãn bước lên xe y tế của Bệnh viện huyện Bình Chánh để đến Bệnh viện Trưng Vương điều trị Covid-19 gây xôn xao dư luận trong những ngày gần đây, đã tô đậm rõ nét tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đang diễn biến rất phức tạp. Ở cái tuổi chỉ mới lên 5, khi mà những đứa trẻ bị bệnh thường nhõng nhẽo, đòi người lớn bế bồng, thì dường như cháu bé phần nào cảm nhận được mối nguy hiểm của đại dịch. Bởi cả gia đình cháu đều đã được đưa đi điều trị sau khi xét nghiệm dương tính với Covid-19. Có lẽ vì vậy, cháu bé hành động như một người trưởng thành thực thụ. Trong bộ quần áo bảo hộ rộng thùng thình, một mình bước lên xe y tế đến bệnh viện, nghe lời và thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của các y, bác sĩ. Hình ảnh ấy truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, cho thấy sự khốc liệt, tác động khủng khiếp của dịch bệnh đến đời sống - sức khỏe - kinh tế của từng con người trong xã hội… Và trên hết, hình ảnh cháu bé còn phần nào chứng tỏ cho ý chí kiên cường của Nhân dân thành phố, quyết không gục ngã trước mọi khó khăn, thử thách.
Sài Gòn “đổ bệnh” không ít người dân lao đao, nhất là những người lao động chân tay, cố gắng mưu sinh hàng ngày để lo từng bữa ăn thì biện pháp giãn cách xã hội càng khiến cuộc sống của họ khổ càng thêm khổ.
2. Ấm lòng tình quân - dân
Trong gian khó cũng chính là lúc chúng ta thấy được trọn vẹn nghĩa tình của người Sài Gòn, của bộ đội dành cho những người dân đang bị cách ly tại các khu vực phong tỏa. Rất nhiều “gian hàng 0 đồng”, “cây ATM gạo” mọc lên, hàng tấn rau, củ, quả tươi sạch - sản phẩm tăng gia của cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 7, được gửi đến tận nơi cho bà con đang gặp khó khăn.
Người dân đến "gian hàng 0 đồng" do Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tổ chức tại quận Bình Tân. Ảnh: MTTQ Bình Tân
Thiết nghĩ, trong cơn hoạn nạn mới nhận rõ giá trị của tình người và hơn nữa là nét đẹp và sức mạnh của một dân tộc, một nền văn hóa truyền thống lâu đời. Nét đẹp và sức mạnh ấy được “Bộ đội Cụ Hồ” phát huy và làm lan tỏa ở những thời điểm khó khăn nhất; họ đã đặt lợi ích của cộng đồng lên trên quyền lợi của riêng mình, sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo khi người dân gặp khó khăn. Truyền thống, đạo lý của dân tộc “thương người như thể thương thân” một lần nữa lại được những chiến sĩ làm sáng lên, thật ấm áp, gần gũi trong lòng Nhân dân.
3. Sài Gòn, mau hết bệnh nhé!
Sài Gòn bỗng nhiên “đổ bệnh”, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống - kinh tế của hàng triệu con người đang sinh sống, học tập và làm việc tại đây. Dù gian khó là thế nhưng tất cả mọi người đều đồng lòng, tuân thủ nghiêm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế. Và rồi những dòng chữ “Sài Gòn ơi! cố lên”, “Sài Gòn sớm vượt qua nhé!”, “Sài Gòn mau hết bệnh nhé!” hay “Sài Gòn dễ thương, kiên cường chống dịch” tràn ngập trên mạng xã hội, được người dân truyền tay nhau càng tiếp thêm sức mạnh to lớn cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Giữa bộn bề những vất vả, lo toan của nhiệm vụ phòng chống dịch, thấy sáng lên tình người, tình đời, tình quân-dân, sự lạc quan, tin tưởng của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng góp phần quan trọng vào nhiệm vụ ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh ở nước ta. Chắc chắn với sự quyết tâm khống chế dịch của chính quyền các cấp, sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ và cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 7, cùng sự đồng lòng của người dân thành phố, sớm thôi Sài Gòn sẽ chiến thắng đại dịch!
Sài Gòn ơi, chiến thắng!