(QK7 Online) - Ngày 21-7, Bệnh viện Quân y 175 tổ chức Hội nghị khoa học “Kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị Covid - 19”, nhằm tổng kết, đánh giá, trao đổi, chia sẻ các nghiên cứu về điều trị bệnh nhân nặng, sự hỗ trợ của các trang thiết bị trong điều trị bệnh nhân nguy kịch, ca lâm sàng kinh điển; công tác phối hợp liên khoa, liên ngành trong phân tầng điều trị và vận chuyển bệnh nhân.
PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị.
Dự hội nghị có Thiếu tướng Nguyễn Nhật Tân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần; PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế; Ban Giám đốc Bệnh viện Quân y 175; đại diện các khoa, phòng, ban, trung tâm, viện trực thuộc Bệnh viện Quân y 175; đại biểu các bệnh viện Quân đội, dân sự, Trung tâm y tế và các trường đại học trên địa bàn; các chuyên gia y tế; các báo cáo viên, tác giả, nhóm tác giả; cán bộ, nhân viên y tế trực tiếp tham gia các trung tâm điều trị, các bệnh viện dã chiến thời gian qua.
Đại biểu dự hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá Hội nghị Khoa học “Kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị Covid-19” là dịp các y, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành chia sẻ kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị Covid-19. Đây cũng là cơ hội nhằm trao đổi, tổng kết kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức, từ đó đưa ra các bài học phục vụ cho chiến lược chống dịch thời gian tới.
Đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới với sự xuất hiện thêm nhiều biến chủng đáng lo ngại như BA.4, BA.5, BA.2.75… ngành y tế phải chủ động mọi điều kiện, sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra và quyết tâm không để TPHCM tái bùng phát dịch mạnh như năm 2021.
Tại hội nghị các đại biểu được tiếp cận 30 bài báo cáo của các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành thuộc các đơn vị đã từng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 như Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Quân dân y miền Đông, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Trưng Vương...
Báo cáo nghiên cứu tại hội nghị.
Nhiều báo cáo với hàm lượng chuyên môn và khoa học cao, có giá trị đối với công tác chẩn đoán, điều trị bệnh nhân Covid-19 như: Tổng quan sinh lý bệnh Covid-19 và hậu Covid-19; Hiện tượng đóng mở đường thở trên người bệnh Covid-19; Kiểm soát lượng vận động điều trị phục hồi sau nhiễm Covid-19; Cấp cứu và vận chuyển an toàn trong chăm sóc và điều trị Covid-19; Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng bệnh nhân Covid-19 được điều trị kỹ thuật oxy hoá máu qua màng ngoài cơ thể…
Một trong những báo cáo có tính thực tiễn hiện nay được chia sẻ tại hội nghị là nghiên cứu "Ảnh hưởng của vaccine phòng Covid-19 lên độ nặng và diễn tiến bệnh ở bệnh nhân mắc Covid-19". Nghiên cứu này được thực hiện trên 200 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Quân dân y miền Đông.
Theo đó, các loại vaccine phòng Covid-19 đã làm giảm rõ rệt tỷ lệ bệnh nặng, nguy kịch. Cụ thể, với nhóm chưa tiêm vaccine, tỷ lệ chuyển nặng là 44,4%; nhóm tiêm 1 mũi là 10,1% và nhóm đã tiêm 2 mũi chỉ có 2%. Các biến chứng suy hô hấp, tổn thương thận cấp và bội nhiễm phổi giảm dần ở những người đã tiêm mũi 1, mũi 2. Nghiên cứu này không ghi nhận trường hợp đã tiêm 2 mũi vaccine phải điều trị trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt; trong khi đó, tỷ lệ này ở nhóm chưa tiêm là 20,6% và nhóm đã tiêm 1 mũi là 5%.
Lê Hoan