Ông cũng là một trong 5 cá nhân tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng đại diện tham dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ và gặp mặt người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2022 sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong tháng 7 này.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Võ Tiêm vào một ngày giữa tháng Bảy. Đang bận rộng với công việc, có khách, ông gác lại, vừa trò chuyện, ông vừa đưa chúng tôi đi thăm một vòng khu vườn cà phê và 2 ao thả cá trong khuôn viên nhà, ngắm nhìn từng đàn cá nào trắm, chép, điêu hồng... đang vừa đớp mồi, vừa bơi lội tung tăng.
Rời quê hương Quảng Bình lúc 16 tuổi, năm 1971, ông Võ Tiêm tham gia thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Năm 1973, ông nhập ngũ (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam), chiến đấu tại chiến trường Quân khu 5. Năm 1975, sau ngày đất nước giải phóng, ông đi học Trường Sĩ quan Hậu cận đến năm 1978, được điều về công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng cho đến năm 1984, ông về nghỉ, hưởng chế độ bệnh binh 2/3. Lúc này, ông quyết định đưa cả gia đình về vùng kinh tế mới Nam Ban sinh sống cho đến tận bây giờ.
Về với cuộc sống mưu sinh thường nhật, ông bảo không thể kể hết những khó khăn, vất vả lúc bấy giờ. Nhưng rồi bằng nghị lực, cùng với sự đồng cam cộng khổ của người vợ hiền, gia đình ông cũng dần đi qua những năm tháng đó; 3 cô con gái của ông bà cũng dần lớn khôn, học đại học, ra trường, có công ăn việc làm ổn định trong các cơ quan nhà nước và nay đều đã yên bề gia thất. Khi nhắc tới những người con của mình, ông Tiêm không giấu niềm tự hào, ông bảo, dù cuộc sống có vất vả bao nhiêu, ông bà vẫn cố gắng nuôi các con ăn học nên người, cho các con cái chữ. Còn đối với bản thân ông, năm nay, dù sắp bước vào ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm”, dù cuộc sống bây giờ không còn những vất vả, lo toan như mấy chục năm về trước, ông bà vẫn miệt mài lao động trên 1 mẫu cà phê, nuôi cá để có thêm thu nhập... Mỗi năm như vậy, trung bình gia đình ông thu nhập cũng khoảng 200 triệu đồng. Khi nghe chúng tôi thắc mắc, sao ông không chịu nghỉ ngơi, thì ông cười lớn bảo, mình còn sức khỏe, thì cứ nhúc nhắc làm thôi, không thể nào ngồi yên được.
Rồi khi hỏi ông về “thâm niên” 15 năm làm tổ trưởng tổ dân phố của mình, ông kể, đó là từ năm 2008, khi các con đã ra trường, có công ăn việc làm ổn định, vợ chồng ông yên tâm phần nào, nên khi được bà con tín nhiệm bầu giữ chức Tổ trưởng tổ dân phố Thăng Long, ông nhận lời. Tâm sự về việc làm tròn trách nhiệm ở khu dân cư của bản thân suốt thời gian qua, ông Tiêm cũng cho rằng, một phần là nhờ sự ủng hộ của gần 200 hộ dân từ đầu ngõ đến cuối xóm.
Để người dân tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, ông Võ Tiêm luôn là người tiên phong. Như năm 2010, trong tổng số 1.000 m2 đất do bà con tổ dân phố hiến đất để làm đường giao thông nông thôn, gia đình ông Tiêm hiến 200 m2. Người dân trong tổ cũng tự nguyện đóng góp làm hệ thống chiếu sáng tại 7 tuyến đường giao thông nông thôn (dài khoảng 2 km)... Ông cũng vận động Nhân dân tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; thực hiện tốt công tác giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, nhờ đó, trên địa bàn tổ dân phố không xảy ra hiện tượng mất an ninh, tệ nạn xã hội... Năm 2018-2020, Tổ dân phố Thăng Long được công nhận là Khu dân cư tiêu biểu; năm 2021, được công nhận là Khu dân cư kiểu mẫu. Đến nay, tỷ lệ hộ làm kinh tế giỏi trong tổ chiếm khoảng 30%, hộ khá là trên 50%. Trong câu chuyện giữa chúng tôi, ông vẫn còn trăn trở, vì trên địa bàn vẫn còn vài hộ nghèo và cận nghèo. Đối với những hộ này, hàng năm, tổ vẫn tạo điều kiện để bà con tiếp cận với các nguồn vốn vay của nhà nước, cũng như động viên họ chí thú làm ăn để vươn lên trong cuộc sống.
“Có lẽ thành quả lớn nhất tôi nhận được trong thời gian làm tổ trưởng tổ dân phố là được bà con tin yêu, tín nhiệm. Hễ có việc gì cần giải quyết, bà con cũng báo cho tôi. Chính niềm tin ấy là động lực thôi thúc tôi cố gắng, còn sức khỏe thì tôi vẫn làm việc để không phụ lòng bà con”. Ông Võ Tiêm bộc bạch.