47 năm trôi qua, những mái đầu đã bạc phơ, những gương mặt hằn nếp thời gian nhưng nụ cười và giọng nói của họ vẫn sang sảng chất lính đặc công huyền thoại.
Đại tá Nguyễn Xuân Liễu, nguyên Phó trưởng khoa Trinh sát (Trường Sĩ quan Lục quân 2), từng là tổ trưởng đặc công nước thuộc Trung đội 1, Đại đội 1, Z23 (Lữ đoàn 316), nhớ lại: "Để tiến công đánh chiếm Dinh Độc Lập, hàng chục cây cầu trên các sông, rạch bao quanh Sài Gòn trở thành mục tiêu tác chiến quan trọng, trong đó ở hướng Đông trên đoạn Quốc lộ 1 tiến vào nội đô là cầu Rạch Chiếc và cầu Sài Gòn. Chiếm giữ được cây cầu này sẽ tạo thuận lợi cho ta mở cửa áp sát thủ phủ của địch; đồng thời chọc thủng khu vực phòng thủ vòng ngoài của chúng. Xác định rõ tầm quan trọng của cầu Rạch Chiếc nên địch bố trí phòng thủ rất chặt chẽ, nghiêm ngặt, sẵn sàng phá hủy cầu khi tình huống xấu; trong khi đó, Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh hạ quyết tâm chiếm giữ cầu làm bàn đạp đánh vào sào huyệt ngụy quyền. Khoảng 6 giờ sáng 27-4-1975, tôi cùng đồng đội được lệnh bí mật rời khu trú ẩn đi chiến đấu. Vượt qua nhiều kênh rạch, 4 giờ chiều, chúng tôi dừng lại ém quân tại đầm bưng thuộc Thủ Đức. Tại đây, chúng tôi được giao nhiệm vụ, trong đêm 27-4 phải tiêu diệt lực lượng địch chốt giữ cầu Rạch Chiếc mở đường cho đại quân của ta tiến vào nội đô Sài Gòn từ hướng Đông. Đây là nhiệm vụ quan trọng, khó khăn bởi quân ngụy quyết “tử thủ” để khống chế khu vực trung tâm".
Trận đánh cầu Rạch Chiếc diễn ra ác liệt. Bọn địch chốt cầu bị đánh bất ngờ phải dùng xuồng rút chạy ra xa, nhưng vẫn liên tiếp bắn phá khu vực xung quanh. Đến gần sáng, quân ta thiếu đạn, địch tập trung lực lượng phản kích quyết liệt. Các chiến sĩ đặc công anh dũng bám trụ bảo vệ cầu, ngâm mình trong bùn nước, đói rét, mệt lả. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh. Suốt mấy ngày đêm không rời trận địa, đánh bật nhiều đợt phản kích của quân thù, đến sáng 30-4-1975, khi các đơn vị của ta vượt qua cầu tiến về Sài Gòn, Lữ đoàn 316 mới hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ cầu Rạch Chiếc.
Đại tá Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang), Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316, ngậm ngùi: "Trong trận giằng co ác liệt đó, 52 cán bộ, chiến sĩ của lữ đoàn đã anh dũng hy sinh. Sau chiến tranh, đơn vị và địa phương đã lập bia thờ. Để tiếp tục ghi tạc công lao của các liệt sĩ và thiết thực giáo dục truyền thống anh hùng, bất khuất cho lớp trẻ, cuối năm 2015, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh quyết định xây dựng công trình bia tưởng niệm quy mô hoành tráng, trang nghiêm trên diện tích 12.000m2, với nhiều hạng mục cần thiết, thỏa lòng đồng đội và thân nhân các liệt sĩ".
Ngày nay, cầu Rạch Chiếc đã được tu sửa, nâng cấp, thuận tiện giao thông kết nối giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh liên vùng. Dưới chân cầu, mặt nước yên ả, tàu thuyền xuôi ngược mưu sinh, nhưng 47 năm trước, cũng chính những ngày này nơi đây sục sôi lửa đạn, ghi dấu tích oai hùng của những người chiến sĩ đặc công, góp phần vào chiến thắng vĩ đại, thu non sông về một mối.