Thách thức trong sinh thiết xương
Sinh thiết xương là một kỹ thuật quan trọng giúp chẩn đoán chính xác nhiều bệnh lý, đặc biệt trong chuyên ngành ung thư. Trước đây, với những tổn thương phức tạp hoặc nằm sâu trong các vùng như cột sống cổ, xương nền sọ, phương pháp sinh thiết mở (mổ sinh thiết) thường là lựa chọn duy nhất. Dù mang lại kết quả chính xác, sinh thiết mở tiềm ẩn nhiều hạn chế như đòi hỏi phẫu thuật khó khăn, gây mê và thời gian hồi phục lâu, tăng nguy cơ biến chứng như chảy máu, tổn thương thần kinh, tốn kém chi phí và ảnh hưởng sức khỏe bệnh nhân, đặc biệt ở những người bệnh không đủ điều kiện sức khỏe để phẫu thuật.

Sự sáng tạo kết hợp công nghệ Robot và kỹ thuật truyền thống
Từ năm 2022, Bệnh viện Quân y 175 đã ứng dụng Robot Maxio – Công nghệ tiên tiến hỗ trợ định vị dẫn đường trong sinh thiết các khối u đặc và điều trị u bằng sóng cao tần… Robot này nhanh chóng được tích hợp vào các quy trình thực hiện thường quy, mang lại hiệu quả vượt trội với độ chính xác và tính an toàn cao.
Tuy nhiên, sinh thiết xương đặt ra thách thức riêng do đặc tính cứng của xương. Khác với sinh thiết các tạng mềm như phổi, gan hay thận, việc sử dụng Robot Maxio để thực hiện toàn bộ quy trình sinh thiết xương là không khả thi. Khi khoan vào tổn thương xương bằng kim có hình dạng đặc biệt và cần lực xoay, rung lắc mạnh – điều mà cánh tay Robot không đáp ứng được do thiết kế cảnh báo an toàn sẽ tự động ngừng hoạt động khi rung lắc vượt mức cho phép.

Với quy trình cải tiến, Robot được sử dụng để định vị dẫn đường đưa kim sinh thiết xương (8-13G) tới vị trí màng xương. Ở bước này, thao tác hoàn toàn mượt mà nhờ độ chính xác cao và bệnh nhân được cố định chắc chắn. Sau đó kiểm tra trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CLVT) và xác nhận kim đã tiếp cận đúng tổn thương, cánh tay Robot ngừng hoạt động. Tiếp đó, bác sĩ thực hiện thao tác khoan, cắt bằng tay để xuyên qua xương cứng, hoàn thành việc lấy mẫu.
Phương pháp kết hợp này không chỉ tận dụng được lợi thế định vị chính xác của Robot Maxio mà còn giải quyết những hạn chế khi sinh thiết xương, đặc biệt là ở những vị trí khó như: Cột sống cổ và ngực cao, xương đá, xương chũm, các tổn thương xương sâu, khó tiếp cận khác. Điều này đặc biệt ý nghĩa khi nhiều đơn vị cũng sở hữu Robot Maxio, vẫn chưa thực hiện được các kỹ thuật tương tự. Tại thời điểm hiện tại, Bệnh viện Quân y 175 là đơn vị duy nhất ở Việt Nam ứng dụng thành công Robot Maxio để thực hiện sinh thiết tại các vị trí xương. Kết quả là quy trình trở nên an toàn hơn, ít xâm lấn hơn và tối ưu thời gian thực hiện, mang lại lợi ích to lớn cho cả bệnh nhân lẫn bác sĩ.
Ths.Bs Phạm Thành Luân, cho biết: Trước đây, chúng tôi thường phải từ chối những trường hợp sinh thiết tại các vị trí nguy hiểm do nguy cơ tai biến cao. Với Robot Maxio, tỷ lệ thành công đã tăng đáng kể, trong khi thời gian thực hiện trung bình giảm xuống chỉ còn 20-30 phút mỗi ca, số lần chọc kim trung bình giảm từ 5-7 lần xuống chỉ còn 2 lần. Quan trọng hơn, bệnh nhân gần như không đau đớn và có thể xuất viện ngay trong ngày.
Việc ứng dụng Robot Maxio không chỉ nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị tại viện Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Quân y 175 mà còn tạo nên một mô hình tham khảo cho các cơ sở y tế trong cả nước. Nhờ sáng tạo trong việc kết hợp công nghệ và kỹ thuật y học, giải pháp này đã tăng tỷ lệ chẩn đoán chính xác, góp phần quan trọng trong điều trị bệnh lý xương, đặc biệt trong chuyên ngành ung thư và thần kinh,… giảm chi phí y tế tới 75% so với mổ mở, với giá trọn gói chỉ 2,5 triệu đồng mỗi ca (được BHYT thanh toán). Đồng thời, giảm gánh nặng quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối và giảm thiểu nguy cơ tai biến nghiêm trọng.

Kỹ thuật sinh thiết xương bằng Robot Maxio bệnh nhân gần như không đau đớn và có thể xuất viện ngay trong ngày.