(QK7 Online) - Công tác tham mưu của đội ngũ cán bộ các cấp đóng vai trò then chốt để tổ chức Đảng, người chỉ huy lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Tuy nhiên, hiện nay có hiện tượng một số cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, triệt tiêu sức sáng tạo, nhiệt huyết và lòng can đảm trong công tác.
Cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 7 thường xuyên nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập.
Thực tiễn cho thấy, trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, rất nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong Quân đội có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung... đã để lại dấu ấn đặc biệt đối với đơn vị và Nhân dân nơi đóng quân, trở thành tấm gương sáng về đức hy sinh cho lợi ích chung của cơ quan, đơn vị và vì Nhân dân, vì đất nước.
Tuy nhiên, ở một số cơ quan, đơn vị, sự thiếu thống nhất trong chỉ huy, hay sự khô cứng, áp đặt trong công tác quản lý bộ đội, nhất là các biểu hiện mệnh lệnh hóa, hành chính hóa... đã vô hình chung tạo ra môi trường bất lợi, thậm chí là bó buộc, triệt tiêu sức sáng tạo, bầu nhiệt huyết và lòng can đảm của không ít cán bộ, chiến sĩ. Đó chính là những rào cản né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến thiếu quyết đoán trong xử lý tình huống xảy ra trong thực tế.
Nguyên nhân là một số cán bộ còn những hạn chế nhất định về kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp, tác phong công tác; trong giải quyết công việc còn thụ động, ngại va chạm, chưa tự tin trong xử lý công việc, hiệu quả không cao. Một số đồng chí chưa thực sự gương mẫu về phẩm chất đạo đức, lối sống; làm việc cầm chừng, ngại khó khăn, gian khổ, ít tự học hỏi tự nghiên cứu, ít đổi mới, sáng tạo; trình độ, năng lực còn yếu dẫn đến sợ làm sai, sợ trách nhiệm, sợ bị kỷ luật; nắm nội dung công việc chưa chắc; lười nghiên cứu các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn, văn bản liên quan; thiếu sâu sát thực tiễn; quan liêu, làm việc rập khuôn, máy móc; tư tưởng ỷ lại chỉ chờ trên chỉ đạo xuống mới thực hiện…
Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến công tác tư tưởng, giáo dục chính trị ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đúng mức; việc cụ thể hóa chuẩn mực, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” và phát huy vai trò cá nhân nòng cốt, trách nhiệm nêu gương người đứng đầu chưa cao.
Do vậy, để khắc phục tình trạng né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, cần kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, rèn luyện của tổ chức và tự giáo dục, rèn luyện của từng cán bộ. Thường xuyên chăm lo xây dựng các cấp ủy, tổ chức Đảng thực sự trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; cụ thể hóa tiêu chuẩn Bộ đội Cụ Hồ sát với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ, làm cơ sở để cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phấn đấu thực hiện.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải thường xuyên tự phê bình; đồng thời, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”, “bằng mặt không bằng lòng”, thực hiện tốt việc phê bình để giúp đồng đội cùng tiến bộ; bảo vệ cái đúng, phản bác những cái sai, cái xấu.
Từng cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới". Đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ chủ trì phát huy vai trò tự giác tu dưỡng, rèn luyện, bồi dưỡng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; thực hành nêu gương; xây dựng môi trường đơn vị trong sạch, lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, chiến sĩ phấn đấu, học tập, rèn luyện, cống hiến, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.
Trần Rô