Cầu tàu 914 được xây dựng từ năm 1873. Với phác thảo ban đầu dài 107m tính từ mép đường trước cổng dinh chúa đảo vươn ra vịnh Côn Sơn. Trải qua nhiều lần sửa chữa và mở rộng, ngày nay Cầu tàu 914 có chiều dài hơn 300m, rộng gần 5m, ở cuối cầu tàu có đoạn rộng gần 8m. Để làm cầu tàu này, biết bao người tù đã phải lao động khổ sai, vác đá kè bờ dọc tuyến đường ven biển... 914 người tù ở Côn Đảo đã ngã xuống vì kiệt sức, đá đè và đòn roi tra tấn khi khai thác, khiêng, vác đá về làm cầu tàu và kè đá dọc con đường ven biển. Cho nên, những người tù đã đặt tên Cầu tàu 914 vừa để tưởng nhớ những người đã mất, đồng thời ghi dấu tội ác của bọn thực dân, chúa đảo; hun đúc lòng yêu nước, căm thù giặc và khát vọng hòa bình cho thế hệ mai sau.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Cầu tàu 914 là nơi chứng kiến những thời khắc lịch sử quan trọng và oanh liệt của dân tộc ta ở Côn Đảo, như: Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tại cầu tàu, hơn 2.000 tù chính trị rời Côn Đảo trở về đất liền tiếp tục cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; cuối năm 1954, Pháp phải đưa gần 600 tù binh và hơn 1.000 tù án ra cầu tàu trở về trao trả cho Chính phủ cách mạng... Đặc biệt, ngày 1-5-1975, hàng nghìn người ở đây đã nổi dậy giành chính quyền, làm chủ dinh chúa đảo, canh giữ cầu tàu để bảo vệ thành quả cách mạng. Mấy ngày sau, cũng tại Cầu tàu 914 diễn ra lễ chia tay giữa những cựu tù trở về đất liền và những người ở lại dựng xây Côn Đảo, chấm dứt hơn một thế kỷ “địa ngục trần gian”. Một trong số những cựu tù bám trụ Côn Đảo xây dựng cuộc đời mới là ông Phan Hoàng Oanh. Ông trở thành thế hệ cán bộ đầu tiên của chính quyền cách mạng, đặt nền móng cho huyện đảo hôm nay. Chị Phạm Thị Thảo Linh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Tham quan các di tích lịch sử tại Côn Đảo, trong đó có di tích Cầu tàu 914, được nghe những câu chuyện lịch sử từ các nhân chứng, chúng tôi như được tiếp thêm ngọn lửa yêu nước, bồi đắp ý chí quật cường và càng tự hào về truyền thống cha ông. Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình “về nguồn” tại Côn Đảo để “tiếp lửa” truyền thống cho thế hệ trẻ thành phố hôm nay và mai sau".