Hình minh họa
Theo đó, công tác phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, bên cạnh các điều kiện an toàn về phòng cháy theo quy định, khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa có nguy cơ cháy, nổ phải có giải pháp ngăn cách hoặc ngăn cháy với khu vực để ở.
Luật cũng nêu rõ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, không bố trí chỗ ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh;
Có phương tiện báo cháy, giải pháp thông gió, thiết bị phát hiện sự cố rò rỉ chất khí nguy hiểm về cháy, nổ phù hợp với công năng, đặc điểm của nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
Khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải được ngăn cháy với lối thoát nạn của khu vực để ở.
Ngoài ra, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy định phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất, trong đó quy định chỉ được sử dụng thiết bị sạc điện cho xe động cơ điện bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
Nơi sạc điện cho xe động cơ điện trong nhà phải có giải pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy;
Khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà còn phải có giải pháp ngăn cháy và trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp, bảo đảm tiêu chuẩn.
7 điểm mới cơ bản của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộTheo Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có những điểm mới cơ bản sau: 1. Bổ sung điều kiện cơ bản bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở và nhà ở kết hợp kinh doanh. 2. Bổ sung quy định cụ thể, đầy đủ hơn về trách nhiệm trong việc bảo đảm điều kiện an toàn khi sử dụng điện của các tổ chức, cá nhân đối với quản lý, kiểm tra việc lắp đặt, sử dụng điện an toàn tại cơ sở, hộ gia đình. 3. Bổ sung quy định về cứu nạn cứu hộ trong dự thảo luật, cụ thể, quy định 1 chương về phạm vi hoạt động cứu nạn cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tổ chức cứu nạn cứu hộ; quyền, trách nhiệm của người chỉ huy cứu nạn cứu hộ; Huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia cứu nạn cứu hộ; xây dựng, thực tập phương án cứu nạn cứu hộ của cơ quan công an; trách nhiệm cứu nạn cứu hộ; ưu tiên và bảo đảm quyền ưu tiên cho lực lượng, phương tiện tham gia cứu nạn cứu hộ. 4. Bổ sung quy định cụ thể về bồi dưỡng, chế độ, chính sách trong thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (luật hiện hành chưa có quy định cho hoạt động cứu nạn cứu hộ). 5. Bổ sung quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. 6. Bổ sung quy định hoạt động khoa học công nghệ trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học công nghệ; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiểm tra phòng cháy chữa cháy. 7. Bổ sung quy định xử lý chuyển tiếp đối với công trình xây dựng đã đưa vào sử dụng mà không đảm bảo quy định về phòng cháy và chữa cháy. |
Phương Vũ