Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, hiện địa phương này có trên 100 cánh đồng lớn với diện tích khoảng 40.000ha, trong đó có trên 9.700 hộ và 19 doanh nghiệp tham gia.
Cũng theo ông Lê Văn Hoàng, sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn đã tạo được mối liên kết giữa 4 nhà: Nhà doanh nghiệp - Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà nước. Đến nay, tỉnh Long An đã liên kết được khoảng 19 doanh nghiệp để cung cấp vật tư và bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Ngoài các giống lúa cao sản chất lượng cao, ngành chức năng của tỉnh Long An còn chọn lựa những giống lúa chống chịu hạn, phèn, mặn như AS 996, OM 2517, OM 5451, OM 6677, OM 576, OM 6976,... qua đó, giúp người trồng lúa khắc phục những khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra trong thời gian qua.
Khi người dân tham gia sản xuất trên cánh đồng lớn, kỹ sư nông nghiệp của các doanh nghiệp, ngành chức năng sẽ trực tiếp hỗ trợ nông dân kỹ thuật trồng và chăm sóc lúa, cách làm đất, bón lót các loại phân bón hay xử lý khi cây lúa nhiễm sâu, bệnh. Đồng thời, hỗ trợ nông dân một phần chi phí chăm sóc lúa và bảo đảm bao tiêu sản phẩm giá cao hơn thị trường từ 100-200 đồng/kg. Từ đó, trung bình mỗi ha lúa đạt năng suất từ 10 - 12 tấn, cao hơn so với phương thức cũ từ 1 - 2 tấn.
Được biết, trên địa bàn tỉnh Long An đã hình thành và phát triển vùng lúa chất lượng cao trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười với tổng diện tích trồng lúa khoảng 40.000ha. Năm 2017 này, tỉnh sẽ tăng diện tích cánh đồng lớn lên 36.700ha. Trong đó, vụ Đông Xuân 2016-2017 thực hiện 62 cánh đồng lớn với 19.000ha và 8.141 hộ tham gia; vụ Hè Thu năm 2017 thực hiện 45 cánh đồng lớn với 17.700ha./.
Nguồn: dangcongsan.vn