Những tín hiệu vui
Theo thống kê của cơ quan quân lực Bộ Quốc phòng, mỗi năm tuyển quân, cả nước có trên 10% thanh niên nhập ngũ trình độ từ trung học chuyên nghiệp đến đại học, đồng nghĩa gần 90% thanh niên nhập ngũ trình độ thấp hơn. Số chưa qua đào tạo sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn tìm việc làm ổn định sau thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Vì thế, hướng nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ là một trong những cơ chế, chính sách được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng quan tâm chỉ đạo, thực hiện nhiều năm qua.
Đặc biệt từ năm 2009, Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ. Theo đó, bộ đội xuất ngũ được cấp “thẻ học nghề” trị giá tương đương 12 tháng tiền phụ cấp cơ sở ở thời điểm đào tạo nghề. Họ có thể đăng ký học ở tất cả trường nghề trong và ngoài Quân đội. Ở Bình Phước, theo thống kê từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm Bình Phước có từ 1.000-1.200 thanh niên nhập ngũ. Vì thế, khâu tư vấn học nghề và giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ có ý nghĩa thiết thực, tạo điều kiện cho họ có việc làm và thu nhập ổn định.
Trên địa bàn tỉnh, bên cạnh các cơ sở đào tạo ngoài Quân đội thì Binh đoàn 16 đã tham gia đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ từ năm 2017. Trường trung cấp nghề số 16, Binh đoàn 16 đã phối hợp Trường cao đẳng Công nghiệp cao su, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tổ chức tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ trên địa bàn 3 tỉnh Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông. Đây là việc làm phù hợp nguyện vọng, nhu cầu của nhiều quân nhân.
Đại tá Trần Hữu Kỳ, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề số 16, Binh đoàn 16 cho biết: “Đơn vị liên kết Trường cao đẳng Công nghiệp cao su đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ với khoảng 63 ngành nghề thuộc các hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dạy nghề ngắn hạn. Trong đó, các nghề lái xe hạng B1, B2, C; kỹ thuật nông nghiệp; tin học, cơ khí, điện tử, điện dân dụng, điện công nghiệp; trồng, khai thác, chế biến mủ cao su... là những nghề rất dễ tìm việc làm ở các nông trường, xí nghiệp, khu công nghiệp hoặc tự làm kinh tế gia đình”.
Còn nhiều trăn trở
Những năm qua, công tác tư vấn, giới thiệu học nghề và giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ, trong đó có đảng viên được các cấp, ngành quan tâm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp một số khó khăn. Trước hết là khung biên chế cơ sở ngày càng bị co hẹp lại, bộ máy chính trị cơ sở đã ổn định. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì số cán bộ, công chức dôi dư nhiều hơn. Theo đó, sắp xếp việc làm cho đảng viên xuất ngũ càng khó, là bài toán nan giải đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.
Tham gia công tác xã hội tại thôn, ấp nhưng một số đảng viên xuất ngũ không khỏi chạnh lòng với phụ cấp chưa đến 900 ngàn đồng/tháng. Anh Điểu Hiệp ở xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập được kết nạp Đảng ở Đại đội 568 (Ban CHQS huyện Bù Gia Mập), khi ra quân được lãnh đạo xã sắp xếp làm đội trưởng thôn Bù Nga đã phải “quên” đi số phụ cấp ít ỏi để gắn bó với công việc nhiều năm qua. “Công tác xã hội chiếm gần hết thời gian nhưng thu nhập chính lại nhờ vào vườn rẫy của gia đình. Địa bàn vùng sâu, xa, đời sống người dân đa số còn khó khăn, tiềm ẩn tệ nạn xã hội. Vì thế, đội trưởng cùng công an viên ở thôn phải thường xuyên tuần tra đêm. Phụ cấp chỉ đủ tiền xăng xe và thi thoảng uống cà phê. Là đảng viên, tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu để quần chúng noi theo...” - anh Hiệp chia sẻ.
Anh Hiệp cũng trải lòng muốn gắn bó với quê hương, được tham gia công tác xã hội nên không đặt nặng vấn đề lương bổng, trợ cấp. Vì vậy, ngoài tham gia công tác xã hội, anh tích cực làm kinh tế gia đình. Còn những người chưa có việc làm ổn định sau xuất ngũ thường phải rời quê đến các khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp tư nhân để kiếm kế mưu sinh, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt Đảng.
Tạo điều kiện cho bộ đội xuất ngũ học nghề, tìm việc làm thể hiện sự quan tâm, ghi nhận những đóng góp của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là giải pháp động viên, khuyến khích thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, theo Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28-12-2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9-7-2015 của Chính phủ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là đơn vị xây dựng danh mục nghề phù hợp với chương trình, thời gian đào tạo thực tế dành cho đối tượng được hỗ trợ việc làm, trong đó có bộ đội xuất ngũ. Nhưng tư vấn chọn việc làm phù hợp với đối tượng này gặp nhiều khó khăn do đa số mới tốt nghiệp THPT hoặc THCS. Trình độ thấp nên thường chọn nghề lái xe, sửa xe máy, ôtô... Học xong, cung vượt cầu, ít người sống được với nghề, lại phải tìm việc khác... gây lãng phí thời gian, tiền của và nhiều hệ lụy phát sinh.