58 doanh nghiệp ghi nhận mức tồn kho tăng
Theo Bộ Xây dựng, lượng tồn kho bất động sản tại các dự án trong quý 3 ước tính đạt khoảng 25.937 căn, nền (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền), tăng 53% so với cùng kỳ.
Trong đó, số lượng chung cư là 4.688 căn, nhà ở riêng lẻ là 12.250 căn và đất nền là 8.999 nền. Tổng giá trị tồn kho bất động sản tính đến ngày 30/9/2024 tăng 12% so với đầu năm, đánh dấu quý thứ 5 liên tiếp ghi nhận mức tăng (từ quý 2/2023).
Trong đó, có 58 doanh nghiệp ghi nhận mức tồn kho tăng, 13 doanh nghiệp không thay đổi và 45 doanh nghiệp giảm so với đầu năm.
Tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản tại thời điểm cuối quý 3/2024 vượt hơn 530.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Novaland (NVL) tiếp tục dẫn đầu với mức tồn kho lên tới hơn 145.000 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm, chiếm 27% tổng giá trị toàn ngành.
Trong 5 năm qua, tồn kho của Novaland đã tăng gấp 2,5 lần so với thời điểm cuối năm 2019. Trong đó, phần lớn tồn kho là bất động sản để bán đang trong quá trình xây dựng, chiếm gần 137.000 tỷ đồng, trong khi, bất động sản đã hoàn thiện để bán có giá trị gần 8.500 tỷ đồng.
Hai doanh nghiệp Vingroup (VIC) và Vinhomes (VHM) cũng ghi nhận tồn kho lần lượt là 128.200 tỷ đồng và 58.000 tỷ đồng, tăng 38% và 11%.
Đối với nhóm bất động sản khu công nghiệp, đứng đầu vẫn là ông lớn Becamex IDC (BCM) với hơn 20.900 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu kỳ; phần lớn là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, quyền sử dụng đất, chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các chi phí khác có liên quan đến dự án hơn 18.500 tỷ đồng.
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) đứng thứ 2 với lượng tồn kho tăng 8%, lên hơn 13.200 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp khác có tồn kho trên 10.000 tỷ đồng như Nhà Khang Điền (KDH) hơn 22.400 tỷ đồng, tăng 19%; Nam Long (NLG) hơn 20.300 tỷ đồng, tăng 17%; Tập đoàn Đất Xanh (DXG) hơn 13.800 tỷ đồng, giảm 2%) và Bất động sản Phát Đạt (PDR) hơn 12.800 tỷ đồng, tăng 5%.
Giai đoạn khó khăn nhất đã qua?
Theo phân tích của APSC, 70-80% các vướng mắc đang tồn tại trên thị trường bất động sản là do vấn đề về pháp lý. Để gỡ vướng mắc cho các nút thắt này, ba Luật về bất động sản (Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023) có hiệu lực từ 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với quy định trước đó.
Các Bộ Luật mới chắn sẽ có tác động tích cực bởi lẽ các bộ Luật được soạn thảo trong bối cảnh thị trường đang gặp khó khăn, vướng mắc và có mục tiêu hướng đến nhằm giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để xem xét giải quyết vướng mắc cho các dự án. Trong năm 2023, Tổ công tác đã nhận được 142 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, Hiệp hội và người dân liên quan đến 191 dự án bất động sản. Theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, Tổ công tác đã xem xét, xử lý 142 văn bản.
Từ khi thành lập Tổ công tác của TP.HCM đã triển khai 10 cuộc họp và ban hành 15 thông báo kết luận, xem xét giải quyết cho 30 dự án. Các phân khúc bất động sản, từ nhà ở, thương mại tới bất động sản công nghiệp, đều cho thấy dấu hiệu tăng trưởng tích cực với nhiều dự án mới được triển kha
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tính chung 9 tháng đầu năm 2024, có khoảng 11 thương vụ M&A được ghi nhận đã giao dịch thành công. Tổng giá trị 9/11 thương vụ được cập nhật đạt hơn 1.800 triệu USD. Giao dịch có giá trị cao nhất là 982 triệu USD, cao gấp 2,2 lần so với thương vụ lớn nhất được ghi nhận tính đến đầu tháng 12/2023.
“Ngay cả khi chưa xác định rõ giá trị giao dịch thành công của 2 trong số 11 thương vụ M&A thành công, chắc chắn giá trị bình quân các thương vụ M&A 9 tháng đầu năm 2024 cũng đạt mức cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Ít nhất là gấp đôi so với năm 2023”, VARS nhận định
Diệu Trang