Tận dụng tối đa ích lợi từ FTA
Trước mắt các hoạt động hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái sẽ tập trung vào một số mặt hàng chủ lực, thế mạnh tại từng địa phương.
Đề án này tập trung vào cách thức kết nối, vai trò, lợi ích của các bên tham gia; cách thức hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp, cũng như đưa lộ trình xây dựng Hệ sinh thái trong thời gian tới, trước mắt tập trung vào các ngành hàng chính như da giày, dệt may, thủy sản, cà phê và quế. Cộng đồng doanh nghiệp đang rất chờ đón tham gia vào hệ sinh thái này.
Một trong những ngành đang hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định CPTPP này là dệt may. Đây là ngành hàng xuất khẩu chủ lực, ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ nhất, khoảng trên 50%.
Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2024, hàng dệt may đã xuất khẩu khoảng 32 tỷ USD trên toàn cầu; riêng thị trường khối CPTPP đã chiếm khoảng 16%. Sau khi có hiệp định, ngành dệt may Việt Nam đã bắt đầu thâm nhập vào một số thị trường trong khối CPTPP, đặc biệt là thị trường các nước trong khối Nam Mỹ, Canada, New Zealand, Mexico, những thị trường trước đây gặp khá nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, việc tham gia CPTPP đồng nghĩa với việc cạnh tranh diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia Hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước.
Ngoài ra, thủy sản cũng là một trong những ngành được hưởng lợi từ Hiệp định CPTPP. Hiện các mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam đã tiếp cận hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó khu vực thị trường Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chiếm khoảng 25% thị phần trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang có lợi thế rất lớn khi có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Việt Nam cũng có lợi thế chi phí nhân công thấp, thủ tục ngày càng thuận lợi. Nhưng doanh nghiệp thủy sản Việt Nam còn những khó khăn, thách thức liên quan đến chi phí vận tải, khả năng bảo quản sản phẩm thủy sản Việt Nam còn sơ sài, hạn chế; quy mô nhỏ, năng lực tài chính nhỏ, yếu; nguyên liệu đầu vào còn khó khăn, chi phí sản xuất còn cao.
Trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn thực hiện gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm; việc xây dựng và định vị thương hiệu cho các mặt hàng "Made in Viet Nam" tại các thị trường khó tính chưa được quan tâm đúng mức.
Các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội xuất khẩu từ các FTA cũng chưa phát huy được hiệu quả tối đa để đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Số lượng cán bộ có kinh nghiệm và chuyên môn sâu về FTA, có khả năng thực hiện việc đào tạo và hỗ trợ cho các tỉnh, thành còn thiếu.
Việc từng bước xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA là điều cấp thiết. Để từng bước hiện thực hoá mô hình hệ sinh thái này, việc tổ chức toạ đàm, lấy ý kiến các cơ quan ban ngành, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế... đang được Bộ Công thương phối hợp các sở ngành, địa phương triển khai, nhằm xem xét tính khả thi và những vấn đề nào cần phải giải quyết.
Để xây dựng thành công mô hình này, theo các chuyên gia, cần phải làm rõ nhiều vấn đề, từ mục tiêu, cách thức kết nối, vai trò, lợi ích của các bên tham gia cho đến cách thức hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các FTA cũng như cụ thể các tiêu chí tham gia.
Tính đến tháng 11/-2024, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán 19 FTA, trong đó 16/19 FTA đã có hiệu lực với các đối tác phủ rộng khắp các châu lục. Những tác động tích cực từ việc thực thi các hiệp định thương mại tự do đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đã được minh chứng rõ nét thời gian qua. Doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước tận dụng tốt những ưu đãi thuế quan để tăng trưởng xuất khẩu, thông qua dòng vốn đầu tư và nhập khẩu theo các FTA để tăng cường năng lực sản xuất, nâng cao trình độ khoa học, nắm bắt những cơ hội mới. Dù vậy, trong khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ dần thì các nước lại gia tăng rào cản phi thuế quan thông qua tăng cường những rào cản kỹ thuật khắt khe, đặt ra nhiều thách thức với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. |
Phương Vũ