Như bao ngôi đình khác, đình Mỹ Hạnh là nơi sinh hoạt cộng đồng, làng xã của người dân và vẫn mang những đặc điểm cơ bản của đình làng ở Nam bộ: Đối tượng thờ phụng là Thành Hoàng Bổn Cảnh, trước đình có bàn thờ ông Hổ,... Ngoài những đặc điểm đó, trong khuôn viên đình còn có bia ghi danh liệt sĩ và bia kỷ niệm nơi thành lập giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa.
Ông Mười - Hội trưởng đình Mỹ Hạnh, kể: “Khu vực này ngày xưa là rừng rậm nên đình được mấy chú, mấy bác làm cách mạng chọn là địa điểm tổ chức các cuộc họp, xuất quân. Đặc biệt, đình được chọn là nơi thành lập lực lượng giải phóng quân liên quận vì Đức Hòa vốn giáp TP.HCM”. Ông Mười nói rằng, tên ấp Tràm Lạc có nghĩa là khu vực rất dễ bị lạc trong rừng tràm. Tên ấp đã nói lên địa thế của vùng trong những năm kháng chiến.
Một trong những lý do dẫn đến sự thành lập lực lượng giải phóng quân liên quận là vì mối tình cảm truyền thống của Hóc Môn - Bà Điểm và Đức Hòa. Các địa phương có địa giới hành chính gần nhau và lịch sử liên kết cùng nhau trong suốt những tháng năm kháng chiến. Năm 1889, tại Đức Hòa có ông Nguyễn Văn Quá là phó binh cho ông Phan Công Hớn (Hóc Môn), từng kề vai sát cánh chống Pháp. Vì cứu dân mà hai ông hy sinh, bị giặc giết trong cùng một ngày. Đến nay, tại Mỹ Hạnh Bắc vẫn còn đền thờ ông Nguyễn Văn Quá và ông Phan Công Hớn được thờ tại Hóc Môn. Mối quan hệ thân thiết qua lại giữa 2 họ tộc, 2 địa phương vẫn được giữ gìn cho đến hôm nay.
Theo hồ sơ di tích, giai đoạn 1945, ngoài sự đô hộ của thực dân Pháp, vùng Mỹ Hạnh nói riêng và Đức Hòa nói chung còn bị các đội quân ô hợp do những người từng phục vụ cho Pháp làm thủ lĩnh quấy nhiễu, cướp bóc. Trước tình hình đó, Đảng ta quyết định thành lập lực lượng giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa.
Ngày 01/11/1945, giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa được thành lập do đồng chí Tô Ký làm chỉ huy trưởng, đồng chí Trần Văn Trà phụ trách chính trị. Nhiệm vụ của lực lượng được xác định là “không chỉ có chiến đấu mà còn công tác dân vận, xây dựng lực lượng chính trị, vận động thống nhất các lực lượng vũ trang cách mạng, phân hóa các lực lượng ô hợp”.
Sau khi thành lập, lực lượng giải phóng quân liên quận đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân, liên tục lập được chiến công, phát triển lực lượng, thu nhiều chiến lợi phẩm. Sau này, lực lượng trở thành nòng cốt trong việc xây dựng chi đội đặc biệt. Khi Khu 8 củng cố lực lượng thì đội hình mới của khu có 2 trung đội của giải phóng quân liên quận.
Với những ý nghĩa đó, đình Mỹ Hạnh trở thành địa điểm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hạnh Bắc - Ngô Văn Luyện cho biết: “Trên địa bàn xã có 4 di tích lịch sử. Những công trình đó đều được các cấp chính quyền và người dân quan tâm, đóng góp kinh phí trùng tu, tôn tạo. Đình Mỹ Hạnh vừa được trùng tu cách đây vài năm bằng kinh phí xã hội hóa hơn 1 tỉ đồng. Hàng năm, địa phương đều tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, học sinh đến viếng, thắp hương, làm vệ sinh, ôn lại truyền thống nhằm giúp các em hiểu rõ hơn về lịch sử đấu tranh anh hùng của thế hệ cha anh.”
Ngoài 2 tấm bia được xây dựng sau này, đình Mỹ Hạnh không có hiện vật liên quan đến lực lượng giải phóng quân liên quận. Những hiện vật của đình làng cũng mất mát qua chiến tranh tàn phá. Ông Mười kể: “Đình cũng có sắc phong nhưng giờ không giữ được, cả những đồ vật thờ cúng cũng không còn nhưng người dân vẫn tin tưởng và nhớ tới những sự kiện đã diễn ra trong đình. Năm nào lễ cúng Kỳ Yên cũng đông người đến viếng. Lễ cúng lúc nào cũng có mâm cúng tại 2 tấm bia trong sân đình”.