Bây giờ, được gặp gỡ những “cụ bà” cựu chiến binh (CCB) gần 70 tuổi nhưng vẫn tham gia các hoạt động thiện nguyện, xã hội, tôi cảm nhận nhiều hơn chất lính và tinh thần học tập theo gương Bác Hồ của những nữ CCB anh dũng.
Dấn thân vì cộng đồng
“Chú tìm Ni sư Thích nữ Nhựt Thành phải không? Chú gọi vào số điện thoại ghi trên tường kia để liên hệ, chứ đến bất chợt thì khó gặp lắm, vì ni sư đi suốt”, người đàn ông tầm 60 tuổi ngồi trước cổng chùa Vĩnh Xương (đường Trần Văn Đang, quận 3, TPHCM) hướng dẫn khi thấy chúng tôi đến tìm ni sư 2 lần nhưng không gặp. Sau khi làm theo hướng dẫn, tôi đã hẹn gặp, trò chuyện được với Ni sư Thích nữ Nhựt Thành.
“Tôi xuất thân từ một gia đình nghèo khó. Được sự dẫn dắt của sư thầy, tôi vào tu ở chùa Vĩnh Xương. Vào chùa, tôi bắt đầu giác ngộ và tham gia làm giao liên cho Lữ đoàn 316 Đặc công - Biệt động thuộc Bộ Tham mưu Miền (B2)”, Ni sư Thích nữ Nhựt Thành mở đầu câu chuyện bằng ký ức về những ngày tuổi trẻ tham gia kháng chiến. Chỉ đến khi đất nước thống nhất, ni sư mới dành toàn tâm cho cuộc sống tu hành. Và cũng ngần ấy năm, ni sư không những giữ trọn phẩm chất người lính Cụ Hồ, đạo tu hành mà còn luôn nâng cao ý thức học tập, làm theo lời dạy của Bác bằng những việc làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo khó.
Năm 2020, để hỗ trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, Ni sư Thích nữ Nhựt Thành cùng Hội CCB quận 3 tổ chức quyên góp gần 1 tỷ đồng chăm lo người dân tại Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam. Khi biết người dân các tỉnh miền Tây gặp hạn hán, không có nước ngọt sử dụng, ni sư lại vận động đào 13 giếng nước ngọt cho bà con vùng khô hạn xã Tân Biên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, khi TPHCM thực hiện giãn cách, ni sư tích cực thực hiện các ATM: gạo tình thương, bữa cơm nghĩa tình, rau củ quả… và hỗ trợ hơn 3 tấn gạo, 12.000 phần cơm, 6.000kg rau củ quả đến với người dân. Ngoài ra, bếp ăn từ thiện của CCB Ni sư Thích nữ Nhựt Thành ngày đêm đỏ lửa, nấu hơn 20.000 suất ăn miễn phí đưa vào các khu cách ly.
Những cụ bà “thép”
CCB Đinh Thị Ngọc (Bí thư Chi bộ Khu phố 1, phường 8, quận 10) kể: “Tháng 6-2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh, lực lượng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 302 về cơ sở giúp dân, đóng quân trên địa bàn. Khi ấy, bữa ăn cho người lính gặp khó khăn vì chợ truyền thống đóng cửa. Thế là các nữ CCB cùng người thân tình nguyện nấu cơm cho bộ đội. Mỗi ngày 3 bữa ăn cho 40 người trong điều kiện giãn cách thật không dễ dàng. Thực đơn cũng phải thay đổi để các chú bộ đội được ngon miệng, đủ chất mà trực chiến. Những ngón nghề nấu ăn chúng tôi có được đều phát huy hết mức”.
Còn thủ lĩnh của 1.400 CCB nữ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ CCB quận Tân Bình Nguyễn Thị Ánh Tuyết nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn ngày đêm hăng say “vác tù và” với các hoạt động của hội và từ thiện, xã hội. Hơn 10 năm nay, hàng tháng, CCB Ánh Tuyết trích từ nguồn lương hưu của mình để giúp người khó khăn. Trong số tiền ít ỏi đó, bà đều đặn dành 1 triệu đồng giúp 2 người già neo đơn, tàn tật. Những ngày thành phố căng mình chống dịch Covid-19, CCB Ánh Tuyết trích 15 triệu đồng - là tiền hưu dành dụm dưỡng già của mình - để ủng hộ mua kit test nhanh. Bà cũng tự tay may 100 mền, 200 khẩu trang, giúp các F0 trong các điểm cách ly tập trung. Và khi nghe một gia đình bị cháy nhà, bà đứng ra kêu gọi quyên góp được 198 triệu đồng để hỗ trợ. Vào năm học mới, nghe tin nhiều em học sinh không có thiết bị để học, CCB Ánh Tuyết lại cùng các nữ đồng đội vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân để quyên góp 5 máy vi tính tặng các em học sinh hoàn cảnh khó khăn, giúp các em không bỏ dở chuyện học hành.
Những nữ CCB ấy hiện đã lên chức bà, nhưng vẫn hăng say tham gia các hoạt động phong trào, giúp đỡ người dân gặp khó khăn. Tâm niệm của các nữ CCB thật giản dị, dù nam hay nữ, nhưng đã là người lính Cụ Hồ thì phải học Bác ở đức tính khiêm nhường và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Ngày trẻ trong quân ngũ cầm súng bảo vệ Tổ quốc, khi về hưu tham gia phong trào xã hội ở địa phương, giúp đỡ người dân gặp khó khăn, phẩm chất người lính “nói luôn đi đôi với làm” trong họ luôn được thể hiện.