Cống hiến sức trẻ
Hơn nửa thế kỷ trước, lớp lớp thanh niên từ mọi miền Tổ quốc đã cùng nhau tập hợp dưới những tán rừng đại ngàn của vùng Chiến khu Đ lịch sử. Trong hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ ấy, có rất nhiều cán bộ y tế vai mang túi cứu thương, tay cầm súng xông pha dưới làn bom, lửa đạn, cùng chiến đấu và giành lại từng hơi thở, mạng sống của đồng chí, đồng đội thân yêu. Trong điều kiện vô cùng gian khổ, ác liệt nơi chiến trường, các y, bác sĩ đã “lấy chiến hào làm nơi cấp cứu, lấy địa đạo làm phòng mổ” và đã kịp thời cứu sống nhiều đồng chí, đồng đội trong những giờ phút sinh tử cận kề. Sự nguy hiểm nơi chiến trường và thiếu thốn về dụng cụ, thuốc men vẫn không làm cho các chiến sĩ QDY trên chiến trường miền Đông Nam bộ chùn bước.
Năm 1965, như bao thanh niên khác, chàng trai Hà Nội Lê Thủ cũng “khăn gói” lên đường vào Nam theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Nơi hoạt động cách mạng của ông là vùng Chiến khu Đ lịch sử. Ông đã cùng đồng chí, đồng đội của mình cố gắng khắc phục những khó khăn, có mặt trên mọi nẻo chiến trường để cứu chữa kịp thời cho thương binh dưới mưa bom, lửa đạn. Bây giờ nhắc lại những ngày tháng ác liệt, gian khó đó, bác sĩ Lê Thủ cho rằng kỷ niệm đáng nhớ nhất với ông đó là những lúc “đói cơm, thiếu muối”. “Đói cơm đã khổ rồi nhưng thiếu muối còn khổ hơn. Khi thiếu muối, tay chân mình trở nên bủn rủn, chúng tôi phải đi hái lá mưng, cỏ tranh ăn thêm cho có vị chát để thay muối. Nói chung, công tác y tế thời đó vô cùng khó khăn, thuốc men, vật dụng y tế luôn trong tình trạng thiếu thốn... Thế nhưng, với niềm tin vào ngày mai chiến thắng, tất cả những khó khăn đó chúng tôi đều khắc phục, vượt qua được...”, bác sĩ Lê Thủ nói.
Với nam giới đã khó khăn, với nữ giới còn khó khăn gấp nhiều lần. Thế nhưng, họ vẫn trụ vững nơi chiến trường đến ngày đất nước hòa bình. Cô Lê Thị Tý, một thầy thuốc QDY Chiến khu Đ chia sẻ, phụ nữ khó khăn hơn nam giới bởi điều kiện sinh hoạt nơi chiến trường hết sức thiếu thốn. Cô Tý chia sẻ: “Về tư tưởng chúng tôi luôn giữ vững lập trường cách mạng, nhưng đôi lúc vẫn thấy chạnh lòng. Để vượt qua những lúc đó, chị em chúng tôi thường lấy công việc làm niềm vui. Chúng tôi luôn lấy niềm tin chiến thắng để tự động viên mình, động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần cứu chữa cho nhiều thương binh nơi chiến trường Chiến khu Đ...”.
Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ
Chiến tranh kết thúc, những thầy thuốc QDY cũng trở về với công việc chuyên môn của mình ở nhiều vị trí, đơn vị công tác khác nhau. Bây giờ, những thầy thuốc QDY ngày ấy đều đã nghỉ hưu, sống vui vầy bên con cháu, nhưng mỗi khi có dịp gặp lại, họ cũng sôi nổi, khí thế như thuở mới lên đường tòng quân năm xưa.
Hầu hết những chiến sĩ QDY Chiến khu Đ miền Đông Nam bộ năm xưa nay tuổi đã cao, chân đã chùn, nhưng họ vẫn cố gắng đến bên nhau mỗi khi có điều kiện; thăm hỏi, chia sẻ với nhau những khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Với tinh thần của người chiến sĩ cách mạng, với tấm lòng của người thầy thuốc cách mạng, họ đã cùng nhau đóng góp công sức và đã tổ chức những hoạt động mang ý nghĩa thiết thực. Nhiều năm qua, Ban liên lạc (BLL) truyền thống QDY Chiến khu Đ khu vực miền Đông Nam bộ đã tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa, như: Họp mặt truyền thống hàng năm; thăm hỏi, động viên nhau những lúc khó khăn, ốm đau; tổ chức khám bệnh, tặng quà cho các gia đình chính sách, người nghèo khó...
Một trong những hoạt động ý nghĩa là Ban liên lạc (BLL) QDY Chiến khu Đ đã chung sức ươm mầm cho ngành y bằng việc trao tặng học bổng hàng năm cho sinh viên hiếu học ở các tỉnh trong khu vực. Qua đó, những thầy thuốc QDY đã tiếp thêm nghị lực để các em tiếp tục nỗ lực hơn nữa, vươn lên trong học tập để có một ngày mai tươi sáng hơn. Thực tế, từ nguồn học bổng này nhiều em đã được tiếp sức, có thêm điều kiện học tập, tốt nghiệp và trở thành những thầy thuốc tốt phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong khu vực. Hoạt động này luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành từ các nhà tài trợ, đặc biệt là từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh Bình Dương với kinh phí hỗ trợ 20 triệu đồng/năm.
Bác sĩ - Thầy thuốc Nhân dân Huỳnh Văn Nhị, Trưởng BLL QDY Chiến khu Đ khu vực miền Đông Nam bộ, chia sẻ: “Những cán bộ, chiến sĩ QDY miền Đông năm xưa là những nhân chứng lịch sử, là những tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ ngành y hôm nay và mai sau noi gương tiếp bước, vun đắp cho ý chí, nghị lực trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước. Chúng tôi luôn tự hào về truyền thống QDY Chiến khu Đ khu vực miền Đông Nam bộ. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn trân trọng, ghi nhận những đóng góp to lớn của các thế hệ thầy thuốc cách mạng đã cống hiến sức trẻ, tuổi thanh xuân và cả mạng sống của mình cho công tác y tế, tham gia cứu chữa, chăm lo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ góp phần làm nên đại thắng lịch sử mùa xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...”.