
Thiếu tướng Đoàn Văn Khoan.
Tháng 1-1948, đồng chí nhập ngũ, là Thư ký của Đại đội công an xung phong huyện Đức Hòa (sau được sáp nhập vào Trung đoàn 308, phiên hiệu Đại đội 6) và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (5-1948). Từ tháng 5-1948 đến năm 1950, đồng chí là Chính trị viên trung đội thuộc Đại đội 2771 và Đại đội 2772, Trung đoàn 308. Đồng chí cùng đơn vị tham gia nhiều trận đánh giành thắng lợi, buộc địch phải rút lui: Trận chiến đấu tại ấp Giằng Xay, xã Hòa Khánh (11-1948); phục kích địch tại xã Bình Hòa Bắc (3-1950)...
Năm 1951, đồng chí đi học tại Trường Quân chính Khu 7 và được giữ lại trường làm cán bộ huấn luyện. Năm 1952, đồng chí nhận nhiệm vụ là Trung đội trưởng Trung đội cảnh vệ, bảo vệ đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Đầu năm 1953, đồng chí được cử ra miền Bắc học tập chương trình du kích chiến tranh và chỉnh huấn chính trị. Kết thúc khóa học, từ năm 1953 đến năm 1954, đồng chí trải qua các chức vụ Chính trị viên phó, Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1; Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn Bà Rịa.
Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (1954), đồng chí Đoàn Văn Khoan tập kết ra miền Bắc, là giáo viên lớp giáo dục cải cách ruộng đất Phân Liên khu miền Đông và Trợ lý Chính trị Trường Tập huấn, Sư đoàn 330. Từ năm 1955 đến năm 1956, đồng chí là học viên Trường Sĩ quan Lục quân.
Những năm từ 1956 đến 1958, đồng chí là Chính trị viên đại đội, rồi Chính trị viên phó Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 330. Tháng 5-1958, đồng chí tiếp tục được cử đi học tại Học viện Chính trị Trung - Cao cấp. Kết thúc khóa học, năm 1961, đồng chí làm giáo viên chính trị Sư đoàn 338. Từ năm 1963 đến năm 1965, đồng chí học trung cấp chính trị tại Học viện Quân chính. Tháng 4-1965, trong đội hình Đoàn 707, đồng chí hành quân vào chiến trường miền Nam.
Từ tháng 7-1965 đến năm 1967, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Chính trị, rồi Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 4, Sư đoàn bộ binh 5. Trung đoàn 4 là một trong hai trung đoàn chủ lực của Sư đoàn bộ binh 5, là Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn, đồng chí Đoàn Văn Khoan được giao nhiệm vụ quản lý giáo dục hàng binh, cải tạo họ trở thành những người tốt, bổ sung cho đơn vị sau này. Đồng chí cùng Ban Chỉ huy Trung đoàn làm công tác tư tưởng cho các hàng binh, nói rõ chính sách và chủ trương giáo dục của ta để họ yên tâm cải tạo. Toàn bộ số hàng binh được tổ chức thành những tiểu đội, được giáo dục tinh thần yêu nước, xác định trách nhiệm và niềm tin đối với Đảng. Kết hợp với giáo dục là lao động rèn luyện thử thách: Tải gạo, vào rừng lấy củi, đào hầm, cất nhà, tuần tra canh gác… Sau thời gian rèn luyện, cải tạo, 100% hàng binh làm đơn tình nguyện gia nhập Quân giải phóng.
Từ năm 1968 đến năm 1969, đồng chí đảm nhiệm các chức vụ Phó Chính ủy, rồi Chính ủy Trung đoàn 5, Sư đoàn bộ binh 5. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Trung đoàn 5 có nhiệm vụ đánh vào Bộ Chỉ huy dã chiến 2 của quân Mỹ, Bộ Chỉ huy dã chiến Quân đoàn 3 ngụy và Tổng kho Long Bình. Đồng chí Đoàn Văn Khoan cùng Ban Chỉ huy Trung đoàn chỉ huy đơn vị đánh thiệt hại nặng Tổng kho Long Bình, hỗ trợ lực lượng địa phương Phân khu 5 và Biên Hòa tiến công các mục tiêu quan trọng, gây cho địch nhiều thiệt hại.
Những năm từ 1969 đến 1972, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn bộ binh 5. Cuối năm 1971, đầu năm 1972, Sư đoàn bộ binh 5 được giao nhiệm vụ tiến công tiêu diệt địch giải phóng Lộc Ninh.
Để trận then chốt mở đầu của Chiến dịch Nguyễn Huệ (1-4-1972 - 19-1-1973) toàn thắng, các đơn vị của sư đoàn bắt tay vào công tác chuẩn bị. Chủ nhiệm Chính trị Đoàn Văn Khoan cùng Đảng ủy Sư đoàn xuống trực tiếp các đơn vị động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ, chỉ đạo mọi mặt công tác chuẩn bị thật chu đáo, từ huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật đến vận chuyển, bổ sung vũ khí, trang thiết bị, hậu cần, mở đường cho xe tăng... Ngày 4-4-1972, các lực lượng của Sư đoàn bộ binh 5 (trong đó có sự tham gia của đồng chí Đoàn Văn Khoan) đồng loạt tiến công địch. Sau 3 ngày chiến đấu kiên cường, toàn bộ địch bị tiêu diệt và bị bắt, Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng.
Từ năm 1972 đến năm 1974, đồng chí Đoàn Văn Khoan đảm nhiệm chức vụ Phó Chính ủy, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn bộ binh 5. Năm 1974, do di chứng của những lần bị thương ở chiến trường, đồng chí phải nghỉ đi điều trị bệnh. Tháng 8-1975, sau thời gian dưỡng bệnh, đồng chí quay trở lại công tác, nhận nhiệm vụ Phó Chính ủy Sư đoàn bộ binh 5. Từ tháng 12-1978 đến năm 1980, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Chính ủy Sư đoàn bộ binh 5, Đảng ủy viên Mặt trận 479. Với cương vị Chính ủy Sư đoàn, đồng chí cùng Bộ Chỉ huy Sư đoàn chỉ huy các đơn vị đánh 40 trận cấp sư đoàn và tiểu đoàn, diệt và làm tan rã 4 tiểu đoàn địch, đánh thiệt hại nặng các sư đoàn 260, 519 và 3 tiểu đoàn khác của quân Pôn Pốt; thu nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, giải phóng một số tỉnh và thị trấn quan trọng… Sau ngày đất nước Campuchia được giải phóng, Chính ủy Đoàn Văn Khoan tiếp tục cùng Bộ Chỉ huy Sư đoàn chỉ huy đơn vị cùng Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia truy quét tàn quân địch, giúp bạn xây dựng chính quyền, lực lượng, ổn định cuộc sống nhân dân tại các huyện Môngcô Bôrê, Xixôphôn, Thomabuốc, Nênếpbrê, Côngpông Chơnăng, Côngpông Xpư; cùng Quân đoàn 4, Sư đoàn 9 truy quét địch tại các tỉnh Côngpông Chơnăng, Côngpông Xpư, khu vực U Đông và Ămleng - căn cứ cuối cùng của Pôn Pốt trong nội địa Campuchia.
Năm 1980, đồng chí Đoàn Văn Khoan được cử làm phái viên Quân khu 7. Những năm từ 1982 đến 1984, đồng chí là Phó Hiệu trưởng Trường Quân chính Quân khu 7. Năm 1984, đồng chí được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Quân chính Quân khu 7. Năm 1990, đồng chí được thăng quân hàm Thiếu tướng. Trên cương vị Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 7, đồng chí cùng Đảng ủy - Ban Giám hiệu Nhà trường khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, xây dựng nhà trường nền nếp chính quy, đảm bảo chất lượng dạy và học tốt. Từ đặc điểm của nhà trường, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng luôn được coi trọng hàng đầu, bao trùm trong các hoạt động. Qua các buổi học tập chính trị, cán bộ, học viên có bản lĩnh tư tưởng vững vàng, phong trào thi đua “tự học, tự rèn luyện” diễn ra sôi nổi, nội bộ đoàn kết gắn bó. Đi đôi với công tác đảng, công tác chính trị, chất lượng dạy và học cũng luôn được đề cao. Hiệu trưởng Đoàn Văn Khoan chỉ đạo các khoa phải xây dựng chương trình môn học sát với từng đối tượng học viên, khoa học, dân chủ, không được chủ quan, áp đặt, rập khuôn, máy móc. Đặc biệt, để đào tạo đội ngũ cán bộ sang giúp bạn, nhà trường chú ý huấn luyện sát với thực tế chiến đấu ở chiến trường Campuchia, tăng thời gian học tập chiến thuật phục kích, tập kích, thực hành dò, tháo gỡ mìn… Cơ sở vật chất của nhà trường cũng được tu sửa, xây dựng khang trang hơn. Hội trường, giảng đường, thao trường, bãi tập được đảm bảo đầy đủ, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập.
Năm 1994, đồng chí Đoàn Văn Khoan được nghỉ hưu theo chế độ. Sau khi nghỉ hưu, đồng chí vẫn tham gia các tổ chức xã hội trên địa bàn: Hội Cựu chiến binh, Ban Liên lạc truyền thống và tích cực hoạt động từ thiện ở địa phương, giúp đỡ những quân nhân có hoàn cảnh khó khăn, những gia đình chính sách…
Trải qua 46 năm trong quân ngũ, chiến đấu trên các chiến trường ác liệt ở miền Đông Nam Bộ, biên giới Tây Nam và trên đất bạn Campuchia, Thiếu tướng Đoàn Văn Khoan luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, cùng đồng đội chiến đấu, công tác thắng lợi. Sau thời gian làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn, trở về nước, Thiếu tướng luôn tận tâm với công việc, lãnh đạo, chỉ huy, xây dựng Trường Quân chính Quân khu phát triển, đào tạo đội ngũ cán bộ, chỉ huy có năng lực, phẩm chất đáp ứng được yêu cầu của lực lượng vũ trang Quân khu ngày càng vững mạnh. Sau khi nghỉ hưu, trở về với cuộc sống đời thường, đồng chí vẫn sinh hoạt trong Hội Cựu chiến binh, họp mặt truyền thống các đơn vị cũ. Để tri ân các đồng chí, đồng đội, nhân dân đã hy sinh xương máu cho đất nước, Thiếu tướng đã viết rất nhiều bài báo để thế hệ trẻ hiểu được phần nào về lớp cha anh đi trước đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Những năm tháng chiến đấu, công tác trong quân ngũ, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Ba, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.