Khi hòa bình lập lại, ngày 31/12/1975, Bộ chỉ huy Miền ra quyết định thành lập Phòng Quân pháp Quân khu 7. Ngày 4/4/1989, Hội đồng Nhà nước thông qua pháp lệnh Tổ chức cơ quan Điều tra Hình sự và Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 236 quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hoạt động của ngành Điều tra Hình sự Quân đội, Phòng Quân pháp Quân khu 7 đổi tên thành Phòng Điều tra Hình sự Quân khu 7.
Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Điều tra Hình sự Quân khu 7 đã từng bước lớn mạnh, từ những khó khăn bước đầu đến nay 100% đội ngũ cán bộ của ngành đạt trình độ từ đại học trở lên, trong đó có 10,8% có trình độ Thạc sĩ, 23,9% có trình độ cao cấp lý luận chính trị, đáp ứng kịp thời các yêu cầu nhiệm vụ của ngành và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.
Cùng với LLVT Quân khu, trong những năm qua, ngành Điều tra Hình sự Quân khu 7 đã làm tốt công tác tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu trong công tác nắm, quản lý và dự báo chính xác tình hình vi phạm, tội phạm; công tác giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân; công tác 1389 Quân khu trong thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; chống mua bán người; tiến hành điều tra, khám phá hàng trăm vụ việc, vụ án các loại, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần duy trì nghiêm kỷ luật Quân đội và pháp luật Nhà nước.
Xã hội ngày càng phát triển, những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường làm cho tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, ngoài những tội phạm truyền thống đã xuất hiện những tội phạm mới với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Trước tình hình đó, để làm tốt vai trò tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu và cấp ủy, chỉ huy các cấp có biện pháp phòng ngừa, giải quyết các vụ việc hiệu quả, đúng pháp luật, ngành Điều tra hình sự Quân khu 7 tiếp tục thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết số 67 ngày 8/3/2007 của Quân ủy Trung ương về việc lãnh đạo thực hiện chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội đến năm 2020, trong đó tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Điều tra Hình sự Quân khu đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và chiến lược cải cách tư pháp về trước mắt cũng như lâu dài.
Hai là, nắm và quản lý chặt chẽ tình hình vi phạm, tội phạm xảy ra trên địa bàn Quân khu, dự báo chính xác diễn biến của tội phạm để kịp thời tham cho Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu và cấp ủy, chỉ huy các cấp làm tốt công tác phòng ngừa vi phạm, tội phạm; chủ động tiếp nhận, phân loại các nguồn tin về tội phạm; tiến hành xác minh, điều tra giải quyết nhanh chóng các vụ việc, vụ án đảm bảo khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để sót, lọt, oan sai tội phạm.
Ba là, thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự, tăng cường các biện pháp quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân, chống thông cung, trốn trại, tự sát, phục vụ hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Tổ chức lao động, học tập giúp phạm nhân tích cực cải tạo sớm hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Bốn là, làm tốt chức năng tham mưu cơ quan thường trực 1389 Quân khu, xây dựng các kế hoạch, chương trình, mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; chống buôn bán người trong lực lượng Quân khu đạt hiệu quả cao.
Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững kiến thức pháp luật, có niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của ngành, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, có bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dũng cảm bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.