Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn bưởi, Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Ngoan, sinh năm 1957 ở xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng cho biết: Vùng đất này trước đây chỉ độc canh cây lúa hơn 10 năm trước ông đem cây bưởi da xanh về trồng thử nghiệm ở vùng đất phèn này. Trải bao bĩ cực nay cây bưởi da xanh đã bén duyên và cắm rễ sâu bền trên vành đai biên giới Long An.
Chuyện CCB Trần Văn Ngoan đưa cây bưởi phủ xanh vành đai biên giới xã Khánh Hưng được ông kể như một lời tâm sự: Năm 1993, từ huyện Tân Trụ lên biên giới lập nghiệp với hai bàn tay trắng; giữa mênh mông bể sở, khó khăn thiếu thốn trăm bề nhưng vợ chồng ông vẫn “thắt lưng, buộc bụng” giành dụm vốn liếng mua được 3 ha đất sản xuất nông nghiệp sát vành đai biên giới mà nhiều người chê xa, chê xấu nhất là mất an toàn vì sát đường biên... Những năm đầu thời tiết khắc nghiệt, lũ lụt, chuột bọ phá hoại, đất đai nhiễm phèn, mùa màng thất bát có năm trắng tay. Nhưng ông vẫn kiên trì bán trụ, đất không phụ lòng người, qua nhiều năm chắt chiu, dành dụm ông đã phát triển diện tích sản xuất lên 15 ha.
Hơn 20 năm gắn bó với ruộng đất ở vùng biên, Cựu chiến binh Trần Văn Ngoan nhận thấy nếu chủ yếu độc canh cây lúa hai vụ cùng với giá cả nông sản luôn bấp bênh, thì sau khi trừ chi phí sản xuất giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn nói chi đến làm giàu. Sau nhiều năm suy tính trăn trở, năm 2007, ông mạnh dạn quyết định đầu tư gần 170 triệu chuyển đổi 2,5 ha đất sát đường biên làm đê bao xung quanh, lên liếp 2 ha trồng bưởi da xanh, 0,5 ha trồng cỏ nuôi bò. Với tổng cộng 1.000 gốc bưởi da xanh, 100 gốc dừa xung quanh đê bao và nuôi 10 con bò giống. Các năm đầu phải đầu tư thêm 40 triệu đồng/1 năm để chăm sóc, tổng vốn đầu tư đến khi được thu hoạch khoảng 300 triệu đồng.
Vừa trồng, vừa nghiên cứu học hỏi kỹ thuật chăm sóc, đất không phụ tay người sau 3 năm (2007-2010) vườn bưởi, vườn dừa cho trái thu hoạch với năng suất cao mang lại hiệu quả kinh tế hơn hàng chục lần so với độc canh cây lúa. Điều khá bất ngờ là cây bưởi da xanh lại rất thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng vùng biên, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh và có đầu ra ổn định, giá bán khá cao, dễ bán…Chỉ tính riêng năm 2019-2021, với giá bán dao động từ 40-60.000 đồng/kg, thì 1.000 cây bưởi thu hoạch được khoảng 10 tấn trái/năm, thu nhập bình trên 500 triệu đồng/năm, trừ chi phí, nhân công còn lãi khoảng 385 triệu đồng/năm. Ngoài thu nhập từ cây bưởi, thu nhập từ cây dừa khoảng 10 triệu đồng/năm, thu nhập từ nuôi bò sinh sản khoảng 30 triệu/năm. Như vậy chỉ với diện tích 2,5 ha trồng bưởi, dừa và nuôi bò đã cho thu nhập hàng năm khoảng 425 triệu đồng.
Từ hiệu quả của cây bưởi trên vành đai biên giới, nhiều hội viên CCB trong xã đã chuyển đổi từ việc trồng cây lúa gò cao hiệu quả thấp, sang trồng cây bưởi da xanh như CCB Nguyễn Văn Thiệp ở ấp Sậy Giăng gần 1 ha; CCB Trần Văn Nhung ấp Gò Châu Mai 1,5 ha; CCB Nguyễn Văn Nin ấp Cả Trốt 1,5 ha cùng với hàng chục hộ nông dân khác trong xã đang tiếp tục nhân rộng ra trên địa bàn, góp phần phủ kín màu xanh trên vành đai biên giới...
Nhìn những bông hoa bưởi đang nở bung trong tiết trời dịu nhẹ của mùa xuân, tỏa hương thơm nhè nhẹ, thoang thoảng. Màu trắng của cánh hoa, màu vàng của nhụy hòa quyện cùng màu xanh của lá, lảnh lót đâu đây là tiếng chim chích ríu rít gọi nhau, khiến khu vườn thật bình yên.
Mai đây vườn bưởi Khánh Hưng sẽ nức tiếng khắp vùng, chỉ nghe tiếng thôi ai cũng muốn được một lần thưởng thức vị ngọt, thanh khiết của những múi bưởi mọng nước. Rồi nhiều nhà sẽ giàu có từ những vườn bưởi. Con cái lên thành phố học cũng từ tiền bán bưởi, mấy ai biết được hành trình gian khổ của cây bưởi da xanh trên vành đai biên giới Long An.