Có thể nói, việc xây dựng những căn nhà tình nghĩa là một trong những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người có công ở TP.Dĩ An. Bà Trương Thị Xương, Phó trưởng phòng Lao động- Thương binh và Xã hội TP.Dĩ An, cho biết: “Bằng nhiều việc làm và hình thức vận động, ủng hộ “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, năm 2019, TP.Dĩ An đã vận động được hơn 434 triệu đồng, đạt 180,88% kế hoạch đã đề ra. Từ sự đóng góp này, hàng năm TP.Dĩ An xây dựng tối thiểu 1 căn và sửa chữa tối thiểu 3 căn nhà tình nghĩa. Trong 6 tháng đầu năm 2020, phòng đã tham mưu cho UBND thành phố duyệt chủ trương hỗ trợ, xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa cho người có công tại phường Tân Đông Hiệp và phường Bình An với tổng số tiền 160 triệu đồng. Chính những căn nhà này là động lực để người có công vươn lên, ổn định cuộc sống”.
Thực tế đã chứng minh, đầu năm 2019, bà Đỗ Thị Lớn, ngụ khu phố Thắng Lợi 1, phường Dĩ An được trao tặng nhà tình nghĩa. Thời điểm ấy, chúng tôi chứng kiến buổi bàn giao căn nhà mới cảm nhận hết niềm hạnh phúc của người có công. Căn nhà có tổng diện tích 120m2, quy cách xây dựng nhà cấp 4, tường gạch sơn nước, mái lợp tôn, nền lát gạch men là niềm mơ ước mấy năm qua của gia đình bà Lớn, nay đã trở thành hiện thực. Bà Lớn sinh năm 1940, là đối tượng người có công cách mạng hưởng trợ cấp một lần, khó khăn về nhà ở. Trong căn nhà còn thơm mùi tường mới, bà Lớn cảm động, chia sẻ: “Được sự quan tâm của chính quyền thành phố và cán bộ phường, gia đình tôi giờ đây được sống trong cảnh yên vui, không còn lo lắng về nhà ở. Tôi không biết lấy gì để cảm ơn, căn nhà là động lực để tôi cố gắng làm việc, xây dựng cuộc sống vững chắc”.
Cùng chung hoàn cảnh như bà Lớn là trường hợp bà Lê Thị Chưa, ngụ khu phố Bình Minh, phường Dĩ An. Bà Chưa là vợ liệt sĩ Hồ Văn Xe, khó khăn về nhà ở. Căn nhà của bà Chưa có diện tích xây dựng 32m2 trên đất của gia đình và được xây dựng kiên cố, móng bê tông, tường gạch, rất khang trang. “Gia đình tôi được lãnh đạo địa phương thường xuyên quan tâm giúp đỡ, không chỉ xây tặng nhà mà còn giúp tôi chăm lo sức khỏe. Đây là nguồn động viên tinh thần to lớn để tôi vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”, bà Chưa cho biết.
Chăm lo tốt cho các đối tượng
Chăm lo công tác “đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công với cách mạng là trách nhiệm của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.Dĩ An. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp, hưởng ứng có hiệu quả của Mặt trận, các đoàn thể, đơn vị kinh tế và Nhân dân trên địa bàn nên công tác chăm lo đời sống người có công đã trở thành hoạt động chính trị, xã hội có ý nghĩa sâu sắc và đạt được kết quả quan trọng. Thông qua việc phát động xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa’’, hàng năm, thành phố đề ra chỉ tiêu vận động từ 240 triệu đồng trở lên để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cho những gia đình chính sách khó khăn về nhà ở. Với 12 phường, mỗi phường vận động, đóng góp từ 40 triệu đồng trở lên, dự kiến sửa chữa tối thiểu 1 căn nhà tình nghĩa. Ông Phạm Văn Ngọ, Chủ tịch UBND phường An Bình, cho biết từ nguồn vận động “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, hàng năm phường sửa chữa nhà tình nghĩa cho người có công cách mạng theo chỉ tiêu đã đề ra. Đặc biệt, phường còn sử dụng phần quỹ để tổ chức tốt hoạt động thăm hỏi, trao quà, chăm sóc sức khỏe cho người có công.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác “đền ơn đáp nghĩa” của Đảng và Nhà nước đã có nhiều nguồn lực được huy động chăm lo, giúp đỡ gia đình chính sách. Chú Nguyễn Đức Thuấn, thương binh 4/4 ở phường An Bình là điển hình của phong trào. Hàng năm, chú Thuấn đóng góp từ 10 - 15 triệu đồng để chăm lo cho gia đình chính sách. “Đền ơn đáp nghĩa cần xuất phát từ những việc làm đơn giản và thiết thực để giúp đồng đội, gia đình có công với cách mạng được an ủi phần nào nỗi đau mất mát”, chú Thuấn cho biết.
Ngoài các nguồn trợ cấp, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước, TP.Dĩ An còn giúp đỡ các thương bệnh binh, gia đình chính sách ổn định cuộc sống, giúp con em họ có việc làm phù hợp. Đa số những đối tượng chính sách tuổi đã cao, sức khỏe yếu, vì thế, địa phương luôn phân công người đến động viên thăm hỏi, tranh thủ các nguồn hỗ trợ để chăm lo tốt cho các đối tượng. Đặc biệt, các hội, đoàn thể còn thành lập đoàn đến nhà gia đình người có công giúp đỡ khi họ khó khăn, hoạn nạn.