
Vào khoảng đầu tháng 9 năm 1910, Nguyễn Tất Thành dạy học tại Trường Dục Thanh, một ngôi trường do các sĩ phu yêu nước thành lập tại Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Thời gian Người gắn bó với mái trường này đến tháng 2 năm 1911.

Trường Dục Thanh, tọa lạc tại số 39 đường Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, là một di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngôi trường này được xây dựng vào năm 1907 nhằm hưởng ứng phong trào Duy Tân do các chí sĩ yêu nước như Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng.

Thời gian đầu khi đến Phan Thiết, thầy giáo Nguyễn Tất Thành được ở nhờ tại nhà cụ Hồ Tá Bang, một trong những người sáng lập Trường Dục Thanh và cũng là một chí sĩ yêu nước nổi bật lúc bấy giờ.

Sau một thời gian ở nhờ nhà cụ Hồ Tá Bang, thầy giáo Nguyễn Tất Thành chuyển sang sống cùng học sinh nội trú tại nhà Ngư nằm trong khuôn viên Trường Dục Thanh.

Người được phân công giảng dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ cho học sinh lớp Nhì. Bên cạnh công việc giảng dạy, Người còn đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn thể dục buổi sáng cho toàn trường, tích cực xây dựng và phát triển tủ sách phục vụ học tập, đồng thời nhiệt tình tổ chức, hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Di tích được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào ngày 12/12/1986.

Hội Cựu chiến binh TPHCM tham quan di tích.

Giếng nước nơi Người sử dụng sinh hoạt và tưới cây khi còn ở trường Dục Thanh.

Tháng 5 về, di tích là địa chỉ đỏ của đông đảo học sinh, đoàn viên, du khách tham quan.

Ngoài giờ lên lớp, thầy giáo Nguyễn Tất Thành dành nhiều thời gian say mê đọc sách. Cũng trong giai đoạn này, Người dành nhiều công sức nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng về tình hình đất nước cùng các điều kiện cần thiết, chuẩn bị cho cuộc hành trình quan trọng từ Sài Gòn vượt đại dương, qua 5 châu 4 biển để tìm con đường cứu nước vào ngày 5 tháng 6 năm 1911.

Chiếc tủ (hiện vật gốc) được Bác Hồ từng sử dụng.

Án thư (hiện vật gốc) nơi đây Bác Hồ thường chấm bài cho học sinh, uống trà.

Bộ ván gỗ (hiện vật gốc) nơi Bác Hồ từng nghỉ ngơi, đọc báo.

Cầu thang gỗ hiện vật gốc quý giá. Đây là một trong bốn hiện vật gốc còn được lưu giữ nguyên vẹn, ghi dấu sâu sắc những ngày tháng thầy giáo Nguyễn Tất Thành công tác và sinh sống tại Trường Dục Thanh.


Cây khế được Bác Hồ chăm sóc trong thời gian dạy học tại trường Dục Thanh.

Nguyễn Thông là một nhà thơ yêu nước nổi tiếng và có đóng góp to lớn trong phong trào Duy Tân tại Bình Thuận đầu thế kỷ 20. Hai người con của ông, Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh, chính là những người sáng lập Trường Dục Thanh ngôi trường mang tinh thần đổi mới và khai sáng dân trí.

Việc thờ cúng Nguyễn Thông tại Trường Dục Thanh không chỉ là sự tưởng nhớ sâu sắc đối với công lao to lớn của ông trong sự nghiệp cách mạng và văn hóa, mà còn thể hiện lòng tri ân của nhà trường đối với ông, người đã truyền ngọn lửa nhiệt huyết và tạo nền tảng vững chắc cho phong trào Duy Tân.

Tháng 5 về, ngôi trường Dục Thanh đón nhận hàng ngàn bước chân tìm về nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành từng dạy học và nuôi dưỡng khát vọng lớn. Cùng với những kỷ vật, ký ức gắn bó với Người, ngôi trường ấy sẽ mãi gần gũi, thiêng liêng, trở thành niềm tự hào và sự trân trọng của các thế hệ học sinh, sinh viên cũng như nhân dân.