Tham quan một buổi huấn luyện đêm của Lữ đoàn 434, chúng tôi được “thực mục sở thị” việc ứng dụng mô hình “Hệ thống đèn hậu, đèn xi nhan xe kéo pháo 105mm”, giúp thuận tiện liên kết xe-pháo, không phải tiến, lùi nhiều lần, giảm thời gian, công sức và bảo đảm an toàn cho pháo thủ.
Trung tá Lê Văn Quốc, Chủ nhiệm Kỹ thuật lữ đoàn, kể: "Đây là sáng kiến của Trung tá Nguyễn Nam Chung, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, hiện học tại Học viện Lục quân. Xuất phát từ thực tiễn chỉ huy liên kết xe-pháo gặp nhiều khó khăn, nhất là hoạt động trong điều kiện ban đêm, đồng chí Chung đã nghiên cứu, thiết kế thành công mô hình này. Mô hình được ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn huấn luyện, diễn tập của đơn vị. Giá trị của sáng kiến là có thể ứng dụng cho nhiều loại xe kéo pháo ở các đơn vị pháo binh toàn quân, bảo đảm liên kết nhanh, chính xác khi hành quân đêm. Mô hình đoạt giải ba Hội thi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật toàn quân năm 2017".
Theo Thượng tá Phạm Văn Vinh, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 434: Đơn vị đang quản lý, huấn luyện, khai thác, sử dụng, bảo quản nhiều loại pháo có trọng lượng lớn, cồng kềnh, dễ mất an toàn khi thao tác; thời gian sử dụng đã lâu, xuống cấp, nhiều chi tiết đòi hỏi kỹ thuật cao, vật tư, phụ tùng thay thế khan hiếm... Vì vậy, để bảo đảm tốt CTKT cho các nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn tập trung lãnh đạo thực hiện tốt Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”, phát động phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật để nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ của đơn vị.
Được biết, lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn 434 tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích cán bộ, QNCN tìm tòi sáng kiến; kịp thời hỗ trợ, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình. Các cơ quan, đơn vị chủ động đăng ký đề tài, mô hình cải tiến kỹ thuật xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn công việc. Hội đồng khoa học của lữ đoàn thẩm định ban đầu, định hướng phương pháp nghiên cứu, yêu cầu đạt được rồi triển khai thực hiện các sáng kiến có tính khả thi cao.