Thiếu tướng Đặng Văn Lẫm, Phó Tư lệnh Quân khu 7 kiểm tra công tác bảo quản đạn tại Kho K6, Cục Kỹ thuật.
Quân khu 7 là địa bàn chiến lược, trọng yếu về mặt quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam và cả nước; là địa bàn trọng điểmtrong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; một số đơn vị đóng quân ở biên giới, biển, đảo, đồi núi; thời tiết khắc nghiệt; mật độ giao thông ngày càng cao, tiềm ẩn các nguy cơ mất ATGT. Mặt khác, hầu hết TBKT trong biên chế của Quân khu đã qua sử dụng nhiều năm, ngày càng xuống cấp và thiếu đồng bộ, có loại phải tăng hạn sử dụng nên dễ phát sinh hỏng hóc. Trong khi đó, ngân sách hằng năm còn hạn hẹp; vật tư, phụ tùng thay thế khan hiếm; hệ thống cơ sở kỹ thuật tuy được quan tâm đầu tư củng cố, nâng cấp, nhưng chưa đồng bộ. Đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật còn thiếu so với biên chế, chưa cân đối theo ngành, một số còn hạn chế về năng lực. Những năm gần đây, Quân khu tiếp nhận, quản lý, khai thác một số loại TBKT, khí tài mới; các đơn vị vừa phải quản lý, sử dụng những TBKT cũ, vừa phải khai thác, làm chủ vũ khí, TBKT mới, hiện đại. Trước những khó khăn đó, Ban chỉ đạo 50 các cấp đã chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện nghiêm túc, sát thực tiễn. Chính vì vậy, Cuộc vận động 50 ngày càng phát triển cả bề rộng, lẫn chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực.
Thiếu tướng Đặng Văn Lẫm, Phó Tư lệnh Quân khu 7 kiểm tra công tác bảo dưỡng - sửa chữa vũ khí đạn của LLVT Quân khu.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về Cuộc vận động, nên mọi cán bộ, chiến sĩ, nhân viên kỹ thuật đã nêu cao ý thức tự lực, tự cường, tinh thần trách nhiệm trong huấn luyện, lao động; khắc phục khó khăn, vươn lên làm chủ TBKT, thực hiện tốt các mục tiêu của Cuộc vận động với nhiều kết quả nổi bật: Công tác quản lý TBKT ngày càng đi vào nền nếp, thực hiện tốt các chế độ quy định “có TBKT phải có người quản lý”; đăng ký chính xác cả về số lượng, chất lượng và đồng bộ; công tác quản lý đã bảo đảm tính thống nhất, khoa học; tại xưởng, trạm sửa chữa các cấp đều có quy trình công nghệ, bàn làm việc có phiếu công nghệ... Đã từng bước thực hiện quản lý TBKT, vật tư, khí tài, phương tiện đo trên máy vi tính. Đến nay, các loại TBKT đều có lý lịch và thường xuyên được kiểm tra, đăng ký. Công tác giao, nhận TBKT được thực hiện nghiêm túc theo quy định của Điều lệ Công tác kỹ thuật. Các quy định về công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất được thực hiện nền nếp, đúng quy định; bảo đảm hệ số kỹ thuật và đồng bộ tốt.
Hệ thống kho tàng được quy hoạch và duy trì nghiêm chế độ đăng ký, quản lý, tiếp nhận, bảo quản, cấp phát, không để xảy ra tình trạng mất an toàn. Cơ quan kỹ thuật các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan cán bộ, quân lực cùng cấp tổ chức tốt công tác quản lý lực lượng chuyên môn kỹ thuật theo chức năng, đề xuất quy hoạch và quản lý cán bộ theo ngành. Trong quản lý nhân lực đã thực hiện quản lý chặt chẽ cả về phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được chú trọng. Bên cạnh đó, thường xuyên quan tâm đến chế độ đặc thù, bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp quản lý, khai thác TBKT.
Với phương châm tiết kiệm là quốc sách, Cuộc vận động đã tập trung vào những nội dung trọng tâm, những vấn đề bức xúc, nhạy cảm; trong đó, chú trọng bảo đảm an toàn, không để cháy, nổ, mất mát, không xảy ra tai nạn làm thiệt hại về người, tài sản. Từng bước đề nghị các định mức bảo dưỡng, sửa chữa cho từng loại TBKT phù hợp với thực tiễn, nhằm tiết kiệm kinh phí, vật tư, lao động. Đổi mới phương pháp quản lý kế hoạch, ngân sách, xăng dầu, kỹ thuật theo nguyên tắc “chỉ đạo theo ngành, quản lý theo cấp”. Công tác nghiên cứu khoa học được triển khai hiệu quả, đã có nhiều công trình, đề tài, sáng kiến cải tiến được đưa vào khai thác sử dụng, góp phần tích cực trong việc tiết kiệm vật tư, xăng dầu, thời gian, công sức, ngân sách cho Quân đội; trong giai đoạn 5 năm 2019-2024 đã có: 46 sáng kiến đạt giải Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân, 309 sáng kiến đạt giải cấp Quân khu.
Thiếu tướng Đặng Văn Lẫm, Phó Tư lệnh Quân khu 7 kiểm tra nhà kho vòm Kho K75.
Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường. Nhiệm vụ xây dựng LLVT Quân khu, xây dựng tiềm lực, thế trận tác chiến phòng thủ Quân khu đặt ra yêu cầu mới ngày càng cao; nhất là việc thực hiện mục tiêu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh, gọn, mạnh, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, nhất là VKTB và phương thức tác chiến mới tác động sâu sắc đến mọi mặt hoạt động quân sự, quốc phòng của Quân khu. Do khả năng kinh tế của đất nước ta còn có hạn, nên bên cạnh việc được cấp phát, biên chế một số chủng loại vũ khí, TBKT thế hệ mới, thì các đơn vị trong Quân khu chúng ta vẫn phải tiếp tục khai thác, sử dụng các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, mà phần lớn đã qua nhiều năm sử dụng, hiện đã xuống cấp, thiếu đồng bộ. Vì vậy, Cuộc vận động trở lên cần thiết và mang ý nghĩa chiến lược lâu dài. Để Cuộc vận động phát triển ngày càng vững chắc, hiệu quả, các đơn vị trực thuộc Quân khu cần phát huy kết quả, kinh nghiệm đã đạt được, tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện các nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra; trong đó cần chú trọng làm tốt những nội dung, giải pháp chủ yếu sau:
Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thường xuyên nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện phù hợp với điều kiện, nhiệm vụ của đơn vị; trong đó, chú trọng cụ thể hóa các mục tiêu Cuộc vận động vào thực tiễn, gắn với các tiêu chuẩn xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, năm kỷ luật, kỷ cương, năm an toàn giao thông… Ngoài ra các đơn vị vừa phải duy trì và bảo đảm hệ số kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào cải tiến, hiện đại hóa; vừa khai thác làm chủ để sử dụng có hiệu quả các loại vũ khí, TBKT thế hệ mới, hiện đại, bảo đảm tốt nhất cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.
Hai là, chú trọng các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý kỹ thuật. Bám sát chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng, đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật và đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật… phù hợp với Đề án tổ chức Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu về quản lý, sử dụng vũ khí SSCĐ. Chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý ở các cấp, các ngành.
Ba là, đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn. Đây là một trong các nội dung cấp thiết trong thực hiện Cuộc vận động. Các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn về thông tin cho hệ thống CNTT quân sự, quản lý chặt chẽ việc sử dụng các trang, thiết bị công nghệ thông tin quân sự, khắc phục các lỗ hổng bảo mật. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho vũ khí, trang bị kỹ thuật, an toàn cơ sở kỹ thuật, nhất là đối với hệ thống kho, trạm, xưởng. Đồng thời, quán triệt cho cán bộ, nhân viên luôn chấp hành pháp luật, điều lệ và các chế độ, quy định khi tiếp xúc với vũ khí, trang bị kỹ thuật; kiểm tra phát hiện, ngăn chặn kịp thời những yếu tố mất an toàn; thường xuyên tổ chức luyện tập phương án phòng, chống cháy nổ, thiên tai, dịch bệnh; không để xảy ra cháy nổ kho, đạn dược và giảm thiểu tai nạn thương tích trong lao động. Để bảo đảm tốt về an toàn giao thông, các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, quán triệt, giáo dục sâu sắc Luật Giao thông, các chỉ thị, quy định của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, chỉ huy đơn vị cho cán bộ, chiến sĩ; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe quân sự. Tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả công tác phối hợp giữa các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn với lực lượng Cảnh sát giao thông để triển khai các hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành, nét đẹp văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” khi tham gia giao thông.
Trạm Kiểm định số 16 thực hiện nhiệm vụ kiểm định thường xuyên xe quân sự.
Phó Tư lệnh Quân khu 7, Trưởng Ban Chỉ đạo 50 Quân khu