Chiến thắng Lộc Ninh (Bình Phước) vào ngày 7-4-1972 đã tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Nam. Sau khi giải phóng, Lộc Ninh trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nơi đoạn cuối đường mòn Hồ Chí Minh, nơi đặt căn cứ Quân ủy - Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam (Bộ Chỉ huy Miền).
Một thời hoa lửa
Để phù hợp với tình hình mới có lợi cho cách mạng miền Nam, Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền quyết định dời căn cứ Quân ủy Miền từ Tây Ninh về đóng tại Tà Thiết (Bình Phước) với lý do so với vùng Bắc Tây Ninh, khí hậu ở đây ít khắc nghiệt hơn, có thế rừng giải phóng rộng lớn; đặc biệt, Lộc Ninh là điểm cuối cùng của đường mòn Hồ Chí Minh nên có điều kiện để nắm bắt nhanh mọi diễn biến về chính trị, quân sự và rất thuận lợi cho sự chỉ đạo, lãnh đạo và tiếp nhận vũ khí, lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến trường miền Nam. Việc chọn Tà Thiết cũng gây bất ngờ đối với địch, vì lâu nay, các căn cứ của Bộ Chỉ huy Miền thường đóng ở rừng sâu, nay chuyển ra ở một khu vực có dân, có rẫy. Đầu tháng 3-1973, căn cứ Tà Thiết bắt đầu được xây dựng và được xác định đây là căn cứ cuối cùng của cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trên diện tích 16km2, khu căn cứ bao gồm những công trình nhà làm việc của các đồng chí chỉ huy cao cấp trong Bộ Tư lệnh miền: Tư lệnh Trần Văn Trà, phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng, phó Tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Lê Đức Anh.
Hội trường Bộ Chỉ huy Miền trong kháng chiến chống Mỹ
Vào những ngày tháng tư lịch sử 1975, căn cứ Tà Thiết đã đón đoàn cán bộ cao cấp của Bộ Tổng Tham mưu do Đại tướng Văn Tiến Dũng dẫn đầu từ Buôn Ma Thuột đến để xây dựng kế hoạch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Ngày 8-4-1975, đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị đã phổ biến nghị quyết của Trung ương Đảng về việc thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định gồm: Tư lệnh, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Chính ủy Phạm Hùng, Phó Tư lệnh gồm các đồng chí Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện. Để có một tên gọi xứng tầm với chiến dịch lớn mang ý nghĩa nhất, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ chỉ huy Miền đã đề nghị Trung ương đổi tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định thành Chiến dịch Hồ Chí Minh. 19 giờ ngày 14-4-1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã nhận được bức điện số 37/TK do Tổng Bí thư Lê Duẩn ký: “Đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Xây dựng cuộc sống mới
Chúng tôi đến Tà Thiết vào những ngày tháng 4 khi cả nước đang chào đón ngày lễ lớn của dân tộc - ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Khu rừng xưa, nay vẫn nguyên vẹn chứng tích về một thời mưa bom bão đạn. Những con đường đã được trải nhựa phẳng lỳ, những đàn bò no cỏ ngật ngưỡng đi về, tiếng trẻ ê a trong lớp, tiếng cười nói trên rẫy tạo thành một bức tranh quê êm ả, yên bình. Qua rồi một thời gian khổ của một tộc người sống du canh du cư kiếm ăn từng bữa. Cuộc sống của những hộ dân Khmer từng bảo vệ Quân Ủy và Bộ Tư lệnh Miền gian khổ ngày nào trong kháng chiến ở biên cương đến nay đã sang một trang mới. Năm 2002, Quân khu 7 tiến hành xây dựng làng mới như một lời tri ân với nhân dân Tà Thiết. Ngôi làng với 62 căn nhà tình nghĩa (trị giá mỗi căn 18 triệu đồng) và 3 mẫu rẫy để nhân dân canh tác. Làng mới không chỉ có nhà mà còn có một trạm xá, một trường học, một nhà văn hóa. Khi làng được chính thức bàn giao cho 62 hộ dân Tà Thiết, những người Khmer quen sống ở núi rừng, lo cái ăn cái mặc chưa xong, nay được nhận nhà tường vôi, mái ngói khang trang đã mừng đến bật khóc. Anh Lâm Vi - trưởng ấp kể: “Tôi không biết nói làm sao hết sự vui sướng của người dân trong làng lúc đó. Ngày đầu được nhận nhà, đêm đầu tiên ngủ mà tưởng đang mơ. Năm 1972 cả nhà tôi bị trúng bom chết hết, riêng mẹ tôi may mắn còn sống, lúc đó bà mang thai tôi được hơn 3 tháng, sống khổ sở không có cái ăn, chỗ ở vì chiến tranh và nghèo đói. Rồi lớn lên, chúng tôi không biết cách trồng trọt, chăn nuôi, làm gì cũng thất bại. Trồng mì chỉ để ăn, trồng điều cũng chỉ biết bưng ra chợ bán. Bán hết hàng thì mua gạo ăn. Bán không hết, mang về ăn thay cơm. May nhờ có chính sách mới, cả làng sản xuất tiêu, điều, cà phê, cao su… đều có người vào tận nơi thu mua. Hiện giờ, đến mùa điều, trên 5 sào đất canh tác đã mang về cho gia đình tôi khoảng 30 triệu đồng; chưa kể đến vài mẫu cao su cũng chờ đến ngày thu hoạch. Tà Thiết hôm nay đổi đời rồi, ai cũng chỉ muốn ở lại nơi này thôi!”. Chia sẻ bấy nhiêu rồi nước mắt anh chảy dài. Nhìn người đàn ông ngoài 40 tuổi sụt sùi, chúng tôi biết trong giọt nước mắt ấy là sự khắc khoải về nỗi đau của quá khứ và có cả niềm hạnh phúc của ngày hôm nay.
Sau 13 năm về làng mới, 62 căn hộ ngày ấy, giờ phát triển thành 156 hộ với nhà cửa khang trang. Dân Khmer làng Tà Thiết có người thành chủ trang trại, có người làm bác sĩ thú y, có người là thầy giáo, cô giáo. Trẻ con đều đã được đến trường, hàng chục em vào đại học… Những ngôi nhà được cấp ngày nào giờ đây vẫn vững vàng, được tôn tạo và xây dựng thêm nhà phụ, nhà kho, nhà bếp… bao quanh. Có nhiều căn nhà mới được xây lên bên cạnh căn nhà cũ cho những đôi vợ chồng mới cưới ra riêng. Đồng chí Mã Văn Chính – Chủ tịch UBND xã Lộc Thịnh cho biết: “Bà con ở đây thường suy nghĩ đơn giản, lo bữa ăn trước mắt, ít suy nghĩ đến ngày mai. Chính vì thấu hiểu được điều này, nên trước khi bàn giao nhà mới cho dân, Thượng tướng Phan Trung Kiên, khi ấy là Tư lệnh Quân khu 7 đã dặn dò chính quyền phải theo sát bà con, hướng dẫn thật kỹ từ kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, cho đến chuyện tích lũy và động viên cho con em đến trường; vận động người dân bỏ hủ tục tảo hôn và cưới hỏi người cùng họ tộc… Sự chu đáo đó của vị tướng anh hùng đã gỡ một lối ra thật sự cho dân Tà Thiết hôm nay”.
Bài, ảnh: HẢI YẾN