
Thiếu tướng Lê Mai Chương (1930-2007)
Trong thời gian đó, chứng kiến sự áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, lại được tiếp xúc với nhiều chiến sĩ Cộng sản, đồng chí đã dần giác ngộ cách mạng. Sau Cách mạng tháng Tám (1945), trước nguy cơ quân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, cũng như bao thanh niên trong vùng, đồng chí Lê Mai Chương lên đường nhập ngũ (12-9-1945).
Những năm từ 1945 đến 1948, đồng chí trưởng thành từ chiến sĩ liên lạc (bộ đội nghiệp đoàn lao động Tân Định, Sài Gòn, Chi đội 7), đến Tiểu đội phó thuộc Đại đội 3, Chi đội 7, rồi Chính trị viên Trung đội 1, Đại đội 2, Chi đội 7. Sau đó, đồng chí được cử đi học Trường Quân chính Khu 7. Hoàn thành khóa học, tháng 1-1948, đồng chí về nhận nhiệm vụ quyền Chính trị viên Đại đội 19, Chi đội 7. Tháng 6-1948, đồng chí Lê Mai Chương là Đại đội phó bộ binh Đại đội B, Chi đội 7. Tháng 1-1949, đồng chí là Ủy viên quân sự Trường Thiếu sinh quân Khu 7 và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (15-8-1949). Từ năm 1950 đến năm 1951, đồng chí nhận nhiệm vụ Trợ lý Tác huấn Phòng Tham mưu Khu 7, sau chuyển sang Trợ lý Tác huấn Phòng Tham mưu Nam Bộ. Những năm từ 1952 đến 1953, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Đại đội phó Đại đội 918, Tiểu đoàn 306 chủ lực của tỉnh Gia Định - Ninh. Tháng 1-1954, đồng chí được điều về làm Trợ lý Tác huấn Phòng Tham mưu Phân Liên khu miền Đông Nam Bộ.
Sau ngày miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (1954), đồng chí tập kết ra miền Bắc và được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân (11-1954). Kết thúc khóa học, đồng chí về nhận nhiệm vụ Đại đội phó Đại đội 3, sau đó là Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 15, Sư đoàn 330. Những năm từ 1958 đến 1960, đồng chí trải qua nhiều cương vị khác nhau: Đại đội trưởng Đại đội 2, Phó Bí thư Chi bộ Tiểu đoàn 307, Trung đoàn 570, Sư đoàn 330.
Năm 1959, Tiểu đoàn 307 được giao nhiệm vụ giúp bạn Lào, đồng chí Lê Mai Chương chỉ huy đơn vị cùng Tiểu đoàn 2 Pathét Lào đánh tan phái Xaranikon. Sau thắng lợi trở về Việt Nam, đồng chí được cử đi học bổ túc văn hóa ở Sầm Sơn, rồi Lạng Sơn đến hết chương trình lớp 7. Sau khi học xong chương trình phổ thông, đồng chí tiếp tục chuyển sang học ngoại ngữ (tiếng Nga và tiếng Trung Quốc). Hoàn thành khóa học ngoại ngữ, tháng 8-1960, đồng chí được cử đi học tại Học viện Quân sự Nam Kinh (Trung Quốc). Tháng 8-1963, đồng chí trở về nước làm Giáo viên chiến thuật ở Học viện Quân chính.
Tháng 4-1964, trong đội hình Đoàn 613, đồng chí vào chiến trường miền Nam đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng ban Tác huấn, Tham mưu phó, quyền Tham mưu trưởng Trung đoàn 3, Sư đoàn 9. Từ năm 1966 đến năm 1972, đồng chí đảm nhiệm các chức vụ Hiệu phó, rồi Hiệu trưởng Trường Quân chính Sơ cấp Miền (gọi tắt là H12), Trường Quân chính Trung - Cao cấp Miền (gọi tắt là H14; nay là Trường Sĩ quan Lục quân 2).
Từ năm 1973 đến năm 1975, đồng chí là Phó phòng Nhà trường, rồi Phó phòng Quân huấn Bộ Tham mưu Miền. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (26-4-1975 - 30-4-1975), đồng chí Lê Mai Chương được Bộ Tham mưu cử làm đặc phái viên hướng dẫn Quân đoàn 1 tiến công giải phóng Sài Gòn. Đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ là người dẫn đường, góp phần cùng Quân đoàn 1 giành thắng lợi, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam.
Sau ngày đất nước thống nhất, tháng 10-1978, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng Quân huấn, Bộ Tham mưu Quân khu 7, Bí thư Liên Chi ủy Phòng Quân huấn. Tháng 3-1981, đồng chí tiếp tục được cử đi học bổ túc tại Học viện Quân sự Cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng).
Tháng 9-1982, đồng chí được bổ nhiệm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 317. Nhận chức vụ Sư đoàn trưởng vào thời điểm sư đoàn vừa hoàn thành nhiệm vụ quốc tế giúp bạn, từ một sư đoàn chiến đấu chuyển thành sư đoàn khung thường trực, tổ chức biên chế bị xáo trộn, quân số ít, cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện cơ bản của đơn vị hầu như chưa có gì, nơi đóng quân chật hẹp, nhiều đơn vị nhà ở dột, nắng nóng, chỗ luyện tập không có. Sau thời gian làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, trở về Tổ quốc, đa số quân nhân nghỉ chính sách muốn được giải quyết mau lẹ để về với gia đình; thậm chí có quân nhân còn xin tranh thủ về nhà trước, ít tháng sau mới quay trở lại nhận giấy tờ. Số chiến sĩ tại ngũ đều có tâm lý chung chờ hết hạn phục vụ để về địa phương.
Để giải quyết những khó khăn đó, Sư đoàn trưởng Lê Mai Chương cùng Bộ Chỉ huy Sư đoàn đã họp và ra nghị quyết lãnh đạo, giáo dục cán bộ, chiến sĩ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới; ổn định doanh trại và từng bước chấn chỉnh tổ chức, sắp xếp cán bộ theo biên chế khung thường trực, đưa các đơn vị vào nền nếp sinh hoạt. Đồng thời, Sư đoàn trưởng Lê Mai Chương chỉ đạo toàn sư đoàn tập trung giải quyết chính sách xuất ngũ, phục viên chuyển ngành cho số quân nhân do Mặt trận 479 giao và quân nhân của sư đoàn; tổ chức tiếp nhận, lo việc ăn ở và hành quân về nước cho số quân nhân chính sách của Sư đoàn 302, Sư đoàn bộ binh 5, Sư đoàn 309… Trên mặt trận công tác mới, dưới sự lãnh đạo của Sư đoàn đoàn trưởng Lê Mai Chương, toàn thể cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 317 chủ động, không quản ngại khó khăn, vướng mắc, nhanh chóng làm quen với nhiệm vụ, từng bước hoàn thành kế hoạch được phân công.
Hoàn thành nhiệm vụ ở Sư đoàn 317, tháng 4-1986, đồng chí được bổ nhiệm Phó Tham mưu trưởng kiêm Trưởng phòng Tác chiến, Bộ Tham mưu Quân khu 7. Từ năm 1990 đến năm 1996, đồng chí là Phó Tham mưu trưởng Quân khu 7. Năm 1992, đồng chí được thăng quân hàm Thiếu tướng. Tháng 11-1996, đồng chí được nghỉ hưu theo chế độ. Ngày 5-4-2007, do tuổi cao sức yếu, sau thời gian lâm bệnh, đồng chí đã từ trần để lại niềm tiếc thương cho gia đình và đồng đội.
Cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, có mặt ở những chiến trường gian khổ, ác liệt, đồng chí Lê Mai Chương luôn quán triệt đường lối chính trị, quân sự của Đảng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đối với đồng đội, đồng chí, gia đình, đồng chí luôn giữ vững phẩmchất đạo đức cách mạng trong sáng, cao đẹp, là người chồng, người cha mẫu mực. Những năm tháng chiến đấu, công tác trong Quân đội, đồng chí Lê Mai Chương được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Quân công hạng Nhì; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì; 3 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; 3 Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.