Đã 70 năm trôi qua nhưng chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên (19-3-1948) vẫn luôn là niềm tự hào của người dân Tân Uyên. Bởi vùng đất Tân Uyên - Chiến khu Đ chính là nơi khởi phát của cách đánh này; gắn liền với tên tuổi người anh hùng Đại tá Trần Công An. Hiện nay, dấu tích của trận đánh được lưu giữ tại Bia tưởng niệm 19-3 ở khu phố Dư Khánh, phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên với một góc nền bằng đá xanh rất kiên cố ngay đầu cầu Bà Kiên.
Đồng chí Nguyễn Hữu Trí, Phó Bí thư Thị ủy Tân Uyên, cho biết cuối năm 1946, trên chiến trường miền Đông Nam bộ, thực dân Pháp thực hiện chiến thuật De La Tour, xây dựng hàng ngàn đồn bót, tháp canh trên các trục lộ nhằm mục đích bảo vệ đường giao thông, cắt đứt giao thông liên lạc đường bộ của lực lượng kháng chiến; đồng thời dùng hệ thống tháp canh như một phương tiện lấn chiếm, kiểm soát vùng du kích và căn cứ của ta. Là phương tiện bố phòng nên quân Pháp cho xây dựng các tháp canh kiên cố. Tháp có hình vuông, mỗi cạnh từ 4 - 5m, tường dày từ 0,5 - 0,8m, cao từ 8 - 10m, được xây bằng đá hoặc gạch nung. Xung quanh tháp canh được bao bọc bởi lũy đất dày, có nhiều lỗ châu mai, hàng rào kẽm gai và chông mìn dày đặc… Mỗi tháp canh được bố trí cách nhau khoảng 1km để có thể báo hiệu và chi viện cho nhau nếu bị tấn công. Đan xen vào hệ thống tháp canh nhỏ có tháp canh lớn, còn gọi là tháp canh mẹ, cao từ 10 - 12m do một tiểu đội quân Pháp đóng giữ. Tháp canh mẹ được bố trí hỏa lực rất mạnh và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác liên lạc, chỉ huy.
Đến những tháng đầu năm 1948, sau thất bại trên chiến trường, vào cuối năm 1947, thực dân Pháp đã chuyển hướng chiến lược từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang đánh lâu dài và tiến hành bình định ráo riết ở Nam bộ. Ngoài âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, Pháp đẩy mạnh càn quét vùng căn cứ kháng chiến. Lúc này, hệ thống tháp canh gây cho ta rất nhiều khó khăn, đặc biệt về giao liên, vận chuyển. Trong bối cảnh đó, Bộ Chỉ huy Khu 7 xác định phá tháp canh, đánh bại chiến thuật De La Tour là nhiệm vụ quan trọng của lực lượng vũ trang miền Đông, mà cụ thể là Tỉnh đội Biên Hòa. Và Ban Chỉ huy huyện đội Tân Uyên được giao nhiệm vụ phải đánh thắng tháp canh cầu Bà Kiên nằm trên lộ 16 thuộc ấp Mỹ Chánh, xã Phước Thành (nay là phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên) để mở đầu cho các trận đánh tháp canh tiếp theo.
Ông Trần Công An đảm nhận nhiệm vụ chỉ huy một tổ đánh bót cầu Bà Kiên cùng với sự giúp đỡ của nhân dân tiến hành nghiên cứu tháp canh, quy luật giờ giấc canh gác của bọn lính, cách bố phòng và địa hình chung quanh. Đội du kích đã xây dựng mô hình tháp canh trong căn cứ, tiến hành thực tập nhiều lần cách đột nhập vào tường tháp mà địch không hay biết. Về cách đánh, lãnh đạo đội du kích đề ra: Sau khi bí mật tiếp cận tường tháp canh, áp chiếc thang cây leo lên dùng lựu đạn ném vào các lỗ châu mai ở cả 3 tầng để diệt địch.
Đêm 18, rạng sáng 19-3- 1948, lần đầu tiên dân quân du kích huyện Tân Uyên do đồng chí Trần Công An chỉ huy cùng các du kích Trần Văn Nguyên, Hồ Văn Lung đã bí mật tiến công tháp canh cầu Bà Kiên. Nhờ luyện tập thuần thục nên việc tiếp cận tháp hoàn toàn bí mật, địch trong tháp không phát hiện được gì. Cả 3 đồng chí leo lên thang ném lựu đạn vào trong tháp diệt 10 tên địch, thu 8 súng. Trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên với cách đánh bất ngờ, lấy ít đánh nhiều đã khai sinh ra lối đánh đặc công của lực lượng ta và vùng đất Tân Uyên - Chiến khu Đ trở thành nơi khởi phát của cách đánh này.
Đại tá Nguyễn Đức Khánh, Chính ủy Lữ đoàn Đặc công 429 (BCĐC), cho biết trận đánh đầu tiên vào tháp canh cầu Bà Kiên là một bước ngoặt cho cách đánh mới trên chiến trường lúc bấy giờ. Từ đây, lối đánh đặc công chính thức được khai sinh, trở thành lối đánh đặc biệt trong nghệ thuật quân sự của lực lượng vũ trang Việt Nam. Sau này phát triển thành đặc công bộ, đặc công thủy, đặc công biệt động, một cách đánh độc đáo của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên là một minh chứng cho lối đánh thông minh, mưu trí, dũng cảm và sáng tạo được xây dựng trên cơ sở lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của nhân dân cả nước nói chung và Tân Uyên nói riêng trong công cuộc giải phóng dân tộc trên cơ sở chủ yếu là “Lấy ít thắng nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông”.