Chính trị

Hậu phương Quân đội
Next
Prev
Thứ sáu, 16/06/2017, 08:51 (GMT+7)
1476 lượt xem

Quan tâm thực hiện tốt hơn chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng

70 năm qua, nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng và nghị định của Chính phủ về chính sách xã hội, ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm thực hiện, góp phần quan trọng bảo đảm quyền lợi cho thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC với nước...

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Trong thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” năm 1947, Bác viết:  “Ngày 27-7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”.  Người căn dặn: “... Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta...”.

Trước khi về cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc lịch sử, Người vẫn nhấn mạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình vì Tổ quốc, vì nhân dân. Bác căn dặn: “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh”, và: “Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

70 năm qua, nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng và nghị định của Chính phủ về chính sách xã hội, ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm thực hiện, góp phần quan trọng bảo đảm quyền lợi cho thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC với nước. Các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính sách xã hội, trong đó, chính sách thương binh, liệt sĩ và NCC với nước là một chính sách rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.

Ngày 24-10-2010, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) Việt Nam được thành lập, thực sự là cầu nối giữa các gia đình, thân nhân liệt sĩ với Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xoa dịu những đau thương, mất mát do chiến tranh để lại. Các hoạt động của hội là tiếp tục truyền thống, đạo lý đền ơn đáp nghĩa, có ý nghĩa chính trị-xã hội và nhân văn sâu sắc, đáp ứng nguyện vọng của các gia đình liệt sĩ và toàn xã hội, được Đảng và Nhà nước quan tâm ủng hộ, chỉ đạo. Trên cơ sở các quy định về pháp lý, Hội HTGĐLS Việt Nam hoạt động với tôn chỉ, mục đích: Hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tiếp cận và thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước; giúp các gia đình thu thập thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ (HCLS) còn thất lạc, hoặc chưa xác định được danh tính; tham gia khảo sát, nghiên cứu và đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước và Chính phủ về những giải pháp thực hiện chế độ, chính sách nhằm tôn vinh, tri ân các anh hùng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ.

Qua gần 7 năm hoạt động, Hội HTGĐLS Việt Nam đã đẩy mạnh việc hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tiếp cận và thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước; hỗ trợ các gia đình liệt sĩ còn khó khăn trong cuộc sống. Đây chính là việc tri ân liệt sĩ và gia đình liệt sĩ một cách thiết thực. Để có cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch tri ân các liệt sĩ và hỗ trợ gia đình liệt sĩ, những năm qua, Hội đã tổ chức nghiên cứu khảo sát thực trạng về thân nhân liệt sĩ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; trên cơ sở đó có văn bản kiến nghị với Nhà nước về chế độ chính sách đối với thân nhân liệt sĩ. Có thể nói, Hội HTGĐLS Việt Nam đã và đang hướng mọi hoạt động vào việc tri ân liệt sĩ, ưu tiên hàng đầu việc tiếp nhận và từng bước hỗ trợ, giải quyết thông tin từ các gia đình liệt sĩ.

Hiện nay, phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ đã phát triển rộng khắp trên cả nước như phong trào: Nhà tình nghĩa; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; Sổ tiết kiệm tình nghĩa; Chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng…, với mục đích và trách nhiệm rõ, nội dung cụ thể, mang lại những kết quả to lớn.

Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và xã hội, hiện nay cả nước có hơn 3.070 nghĩa trang liệt sĩ, với tổng số mộ có trong nghĩa trang là hơn 800.000; số mộ có đầy đủ thông tin là hơn 630.000 mộ và khoảng 303.000 mộ thiếu thông tin; hiện còn hơn 208.000 HCLS chưa phát hiện, tìm kiếm, quy tập được.

Cùng với những kết quả đã đạt được, chính sách đối với NCC với nước còn một số vấn đề cần tiếp tục giải quyết. Nhiều trường hợp người tham gia cách mạng bị chết, bị thương, hoặc mất tin chưa được các cơ quan có trách nhiệm kết luận; hàng vạn người mẹ, người vợ, con liệt sĩ vẫn mong đợi thông tin chính thức về phần mộ của người thân... Chế độ trợ cấp ưu đãi còn mức độ; một số nội dung ưu đãi đã được quy định trong Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng, nhưng còn thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện. Phong trào xã hội hóa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC với cách mạng chưa đều, chưa đáp ứng được nhu cầu của người được hưởng chế độ và còn phụ thuộc nhiều vào khả năng, tình cảm, trách nhiệm của từng địa phương, cơ sở. Những sai sót, nhầm lẫn, tiêu cực trong thực hiện chính sách, chế độ xảy ra ở một số nơi đã gây không ít phiền hà cho người hưởng chính sách, gây dư luận không tốt trong xã hội. Còn không ít gia đình chính sách đời sống còn nghèo, việc học hành, việc làm, thu nhập của con liệt sĩ còn khó khăn.

Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để tiếp tục thực hiện tốt hơn chính sách thương binh, liệt sĩ và NCC với cách mạng, cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn. Trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa của chính sách thương binh, liệt sĩ, NCC với cách mạng và Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động, bảo đảm cho công tác này phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực.

Tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ, NCC với cách mạng. Các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến các địa phương cần thấy rõ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo về thực hiện chủ trương, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng.

Cần đẩy mạnh giải quyết các tồn đọng chính sách trong chiến tranh theo quy định hiện hành; có các chủ trương, giải pháp cụ thể thực hiện hiệu quả Đề án 1237 về “Tiếp tục tìm kiếm và quy tập HCLS đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, theo Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị; Đề án 150 về “Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin” và Chương trình 4836 về “Tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng”, theo Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội cùng nhân dân cả nước thực hiện tốt hơn nữa chính sách ưu đãi NCC; tập trung giải quyết dứt điểm các tồn đọng và hậu quả sau chiến tranh;  thường xuyên giải quyết tốt công tác thương binh, liệt sĩ và NCC.

Để thực hiện tốt hơn công tác chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC với cách mạng, trước hết cần quan tâm thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công, giải quyết việc làm và bảo đảm thu nhập cho người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về chính sách thương binh, liệt sĩ, NCC với cách mạng, góp phần tạo sự ổn định chính trị xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.  

Trung tướng LÊ VĂN HÂN, Nguyên phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam

Nguồn: qdnd.vn

TIN MỚI NHẤT

DƯ LUẬN QUAN TÂM

BẢN TIN TRUYỀN HÌNH QUÂN KHU 7

PHÓNG SỰ ẢNH

ĐỌC BÁO IN

BẠN CẦN BIẾT

DỰ BÁO THỜI TIẾT

Thiết kế phần mềm Công ty phần mềm GSOT GROUP