Thời sự

Next
Prev
Thứ bảy, 12/08/2017, 11:13 (GMT+7)
3100 lượt xem

Phim tài liệu “Người con làng Hào Kiệt” - Khắc họa chân thực cuộc đời và sự nghiệp Thượng tướng Song Hào

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thượng tướng Song Hào (20-8-1917/20-8-2017), chúng tôi có dịp trò chuyện với Đại tá Mai Trung Tuyến, đạo diễn phim tài liệu “Người con làng Hào Kiệt”. Trong căn phòng nhỏ ở ngõ 12B Lý Nam Đế, Hà Nội, người nghệ sĩ, chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân (QĐND) nay đã nghỉ hưu kể cho chúng tôi nghe về bộ phim tài liệu ông đã thực hiện bằng trái tim và tình cảm đặc biệt dành cho Thượng tướng Song Hào - người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà chính trị, quân sự xuất sắc của QĐND Việt Nam.

Thượng tướng Song Hào, tên thật là Nguyễn Văn Khương, sinh ngày 20-8-1917 tại làng Hào Kiệt (nay là xã Liên Minh), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông là một trong những học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gần 70 năm hoạt động cách mạng, Thượng tướng Song Hào đã tham gia cách mạng từ năm 1936, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và các chức vụ quan trọng thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước. Ông cũng là tác giả của nhiều tác phẩm có uy tín về chính trị, quân sự. 

 

Đại tá, đạo diễn Mai Trung Tuyến. 

“Người con làng Hào Kiệt”

Đó là tên bộ phim mà đạo diễn Mai Trung Tuyến cảm thấy rất tâm đắc bởi sau khi nhận được nhiệm vụ của cấp trên giao thực hiện bộ phim về Thượng tướng Song Hào, ông cảm thấy rất băn khoăn, lo lắng bởi làm sao để khắc họa đậm nét hình ảnh của một vị tướng trận mạc, có nhiều thời gian gắn bó với hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ,CTCT) nhưng vẫn xúc động, chạm được trái tim người xem. Nhưng rồi, sau khi nghiên cứu kịch bản văn học của Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương và tìm hiểu một số tư liệu về Thượng tướng Song Hào, đạo diễn Mai Trung Tuyến đã tìm ra vấn đề cốt lõi của bộ phim bằng một tít phim rất ý nghĩa bởi Thượng tướng Song Hào sinh ra tại ngôi làng mang tên Hào Kiệt.

 

Đồng chí Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) cùng đoàn cán bộ trong chuyến công tác tại Khu 4, năm 1965. Ảnh tư liệu.  

 

Đạo diễn Mai Trung Tuyến chia sẻ: “Nhà văn Hồ Phương viết kịch bản văn học lấy tên là “Thượng tướng Song Hào - lòng son, dạ sắt”. Từ tên của kịch bản văn học chuyển sang tên kịch bản phim là một cuộc lao động khá vất vả, đạo diễn phải tìm ra được tứ phim. Tôi nghĩ, tên phim mà theo đúng kịch bản văn học thì chưa đặc sắc. Hơn nữa, kịch bản mang tính chất lịch sử nhiều hơn là chân dung nên khi chuyển sang kịch bản phim tài liệu sẽ khó hơn. Tôi nghĩ, một bộ phim hay thì tít phim phải hấp dẫn”.  

Hình ảnh bà Nguyễn Thị Phương (khi còn sống) cầm di ảnh Thượng tướng Song Hào. Ảnh chụp từ bộ phim tài liệu “Người con làng Hào Kiệt”.

“Người con làng Hào Kiệt” là một trong những bộ phim tài liệu về một vị tướng mà đạo diễn Mai Trung Tuyến được giao thực hiện. Phim về Thượng tướng Song Hào, đương nhiên cũng nói đến các trận đánh nhưng mang tính chất hoàn toàn khác bởi công việc của Thượng tướng luôn phải đảm bảo công tác bí mật, không phô trương. Tuy nhiên, khi càng đọc nhiều tài liệu, đi sâu tìm hiểu chân dung Thượng tướng Song Hào, đạo diễn Mai Trung Tuyến cảm thấy có nhiều chi tiết hay, đặc sắc.

Mở đầu bộ phim là cảnh Nhà tù Sơn La. Năm 1942, thực dân Pháp muốn xé nhỏ lực lượng tù cộng sản ở Nhà tù Sơn La, chúng đã chuyển hơn 100 tù nhân về Nhà tù Chợ Chu ở Định Hóa (Thái Nguyên). Đồng chí Nguyễn Văn Khương khi đó được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ làm Bí thư Chi bộ Đảng trong tù. Từ đây, cuộc đời của người chiến sĩ cộng sản gắn liền với hoạt động CTĐ,CTCT.

Thời điểm đó, Đảng ta chủ trương đưa những cán bộ cốt cán từ các nhà tù ra để lãnh đạo phong trào cách mạng. Đồng chí Nguyễn Văn Khương và 11 đồng chí được tổ chức sắp xếp để vượt ngục. Ngày 2-10 ra khỏi tù thì ngày 10-10-1944, tại cuộc họp của Xứ ủy Bắc Kỳ ở Khuôn Nanh, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Đồng chí Nguyễn Văn Khương được cử làm Bí thư Khu ủy chiến khu Nguyễn Huệ, từ đây, đồng chí đổi tên thành Song Hào. Các đồng chí khác đều đổi tên mới như: Đồng chí Vũ Anh Sinh lấy tên là Vũ Phong, Trần Đình Thìn lấy tên là Trần Thế Môn…

 

 Cảnh trong phim "Người con làng Hào Kiệt".

Muốn xây dựng chiến khu trước hết phải có dân

Ngày 19-10-1946, Trung ương Đảng quyết định thành lập Khu 10. Là bí thư Khu ủy, đồng chí Song Hào hiểu rằng, muốn xây dựng được chiến khu trước hết phải có dân. Ngoài việc thành lập được 4 trung đoàn, đồng chí đã chọn ra những cán bộ ưu tú nhất để thành lập đội tuyên truyền, có nhiệm vụ đi sâu vào hậu phương địch, kêu gọi nhân dân tham gia cách mạng.

Để khắc họa rõ hơn chân dung Thượng tướng Song Hào giai đoạn này, đạo diễn Mai Trung Tuyến đã đưa vào bộ phim đoạn phỏng vấn Thiếu tướng Lê Thanh, nguyên đội trưởng đội Trung Dũng. Lúc đó, Khu 10 trở thành mặt trận Tây Bắc vững mạnh, góp phần to lớn cùng quân chủ lực “bẻ gẫy gọng kìm” tấn công của Pháp ở Sông Lô mùa thu đông năm 1947. Đặc biệt, trong giai đoạn này, lực lượng của ta đã giúp nước bạn Lào xây dựng căn cứ, đào tạo cán bộ.

Nói về Thượng tướng Song Hào không thể không nhắc đến giai đoạn ông làm Chính ủy Đại đoàn 308. Vì thế, trong bộ phim “Người con làng Hào Kiệt”, đạo diễn đã tái hiện hình ảnh Thượng tướng Song Hào qua lời kể của các đồng đội. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Khu 10, Thượng tướng Song Hào được Quân ủy và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ làm Chính ủy Đại đoàn 308. Đây là đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập trong kháng chiến chống Pháp, đã tham gia những trận đánh mang tính quyết định. Những cái tên như: Đông Khê, Khâu Luông, Cốc Xá…vang mãi chiến công của đại đoàn. Sức mạnh tinh thần từ người Chính ủy của đại đoàn đã thấm sâu vào mỗi chiến sĩ, trong từng chiến dịch, mỗi trận đánh. Đại đoàn 308 tiếp tục lập công ở những chiến dịch lớn sau đó và trưởng thành vượt bậc trong chiến dịch Điện Biên Phủ-chiến dịch kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp.

Hầu hết các bộ phim tài liệu về chân dung nhân vật đều có một phần về gia đình nhưng với bộ phim “Người con làng Hào Kiệt”, đạo diễn Mai Tung Tuyến không sử dụng nhiều những cảnh quay về gia đình Thượng tướng Song Hào bởi ông cho rằng, khi làm phim chân dung mà để gia đình nhân vật nói nhiều sẽ không thuyết phục được người xem. Vì vậy, đạo diễn đã tìm những đồng đội của Thượng tướng Song Hào, trong đó có cả những người đã cùng ở trong tù với Thượng tướng Song Hào để nói về quá trình hoạt động cách mạng của ông.  Như vậy, bộ phim sẽ có cái nhìn khách quan, chân thực mà rõ nét hình ảnh một vị tướng cả cuộc đời dành cho Đảng, cho nhân dân.

Người thân duy nhất của Thượng tướng Song Hào xuất hiện trong bộ phim này là vợ của ông - bà Nguyễn Thị Phương (1919-2015), bà kể rằng, lúc ở bên chồng, ông thường nhờ bà đưa một số thứ cho người này, người khác mà không nói cụ thể lý do và bà cứ thế làm theo chồng, hoặc có những lúc ông bị địch bắt nên bảo bà phải phi tang một số đồ vật…Cứ thế, người phụ nữ này âm thầm làm việc cho chồng mà không biết rằng mình đã trở thành giao liên và là một trợ thủ đắc lực, là đồng chí, đồng đội của một người chiến sĩ cách mạng. Chi tiết này đã khiến đạo diễn Mai Trung Tuyến cảm thấy rất tâm đắc. Trong quá trình làm phim, đạo diễn Mai Trung Tuyến mới thấu hiểu được lòng son, dạ sắt của Thượng tướng Song Hào, về một giai đoạn lịch sử mà những người chiến sĩ cộng sản phải âm thầm chịu đựng, làm việc và đi lên từ con số không. 

Thấm nhuần những việc làm của Thượng tướng Song Hào để qua đó hình dung và xây dựng hình ảnh một vị tướng trong lòng dân, đạo diễn Mai Trung Tuyến đã góp phần “chép sử bằng hình” để “Người con làng Hào Kiệt” trở thành tác phẩm điện ảnh có giá trị cho thế hệ sau hiểu rõ hơn về một giai đoạn lịch sử chiến đấu hào hùng của những chiến sĩ QĐND Việt Nam.

Nguồn: qdnd.vn

TIN MỚI NHẤT

DƯ LUẬN QUAN TÂM

BẢN TIN TRUYỀN HÌNH QUÂN KHU 7

PHÓNG SỰ ẢNH

ĐỌC BÁO IN

BẠN CẦN BIẾT

DỰ BÁO THỜI TIẾT

Thiết kế phần mềm Công ty phần mềm GSOT GROUP