Theo đó, quy hoạch chung xây dựng đô thị Mỹ Thành có diện tích 3.550,2 ha, thuộc xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ.
Ranh giới cụ thể có phía Bắc giáp xã Mỹ Thọ; phía Nam giáp đầm Đề Gi; phía Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp đô thị Mỹ Chánh và xã Mỹ Cát.
Quy hoạch xây dựng đô thị Mỹ Thành đảm bảo các tiêu chí đô thị loại V làm cơ sở lập Đề án đề nghị công nhận xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ là đô thị loại V và hướng đến thành lập thị trấn Mỹ Thành.
Việc lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030 và quy hoạch xây dựng vùng huyện Phù Mỹ đến năm 2035 đã được phê duyệt.
Đây là vùng phát triển đô thị, du lịch biển, dịch vụ, thương mại và hậu cần nghề cá gắn với bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan sinh thái đầm Đề Gi; phát triển công nghiệp chế biến thủy sản ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển kinh tế biển, kết hợp với an ninh quốc phòng tại khu vực;…
Việc lập quy hoạch chung xây dựng đô thị Mỹ Thành nhằm làm cơ sở để quản lý quy hoạch, lập đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt.
UBND huyện Phù Mỹ chịu trách nhiệm tổ chức lập đồ án quy hoạch, lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư có liên quan, trình thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn UBND huyện Phù Mỹ tổ chức lập quy hoạch và thực hiện các nội dung có liên quan, đảm bảo tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành và các quy định của pháp luật.
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phù Mỹ đến năm 2035 có gì đặc biệt?
Năm 2023, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Phù Mỹ đến năm 2035, với quy mô diện tích 556,08 km2.
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phù Mỹ đến năm 2035 với 3 phân vùng phát triển kinh tế.
Trong đó, phân vùng I tại phía Bắc huyện, bao gồm địa giới hành chính các xã Mỹ Châu, Mỹ Lộc, Mỹ Lợi, Mỹ Phong và thị trấn Bình Dương.
Đây là vùng phát triển đô thị, nông nghiệp và du lịch sinh thái. Trọng tâm là thị trấn Bình Dương, tập trung phát triển đô thị về phía Bắc của xã Mỹ Lợi.
Tai khu vực này sẽ phát triển dịch vụ thương mại kết nối từ Bình Dương, xã Mỹ Lợi và đầm Trà Ổ. Quy hoạch các lưu vực đảm bảo thoát lũ về hướng đầm Trà Ổ; định hướng phát triển nông nghiệp và hình thành không gian du lịch sinh thái gắn với đầm Trà Ổ và biển Đông.
Phân vùng II thuộc khu vực phía Tây và phía Nam của huyện, gồm thị trấn Phù Mỹ và các xã Mỹ Trinh, Mỹ Hòa, Mỹ Quang, Mỹ Hiệp, Mỹ Chánh Tây, Mỹ Tài.
Đây là vùng phát triển đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái và công nghiệp phụ trợ. Trọng tâm là thị trấn Phù Mỹ; cải tạo chỉnh trang đô thị và phát triển đô thị tại xã Mỹ Hiệp định hướng là đô thị loại V. Bảo tồn các lưu vực thoát lũ hệ thống sông, suối về hướng đầm Đề Gi; ổn định khu vực sản xuất nông nghiệp.
Tại khu vực này sẽ quy hoạch phát triển công nghiệp tại thị trấn Phù Mỹ, xã Mỹ Hiệp và xã Mỹ Chánh Tây; hình thành khu vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở phía Tây phụ trợ cho các đô thị, kết hợp tổ chức các điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với hồ đập hiện có ở Phía Tây.
Ngoài ra, vùng huyện Phù Mỹ còn có phân vùng III thuộc khu vực ven biển phía Đông và một phần phía Nam huyện Phù Mỹ, gồm các xã Mỹ Đức, Mỹ Thắng, Mỹ An, Mỹ Thọ, Mỹ Chánh, Mỹ Thành và Mỹ Cát.
Đây là vùng phát triển đô thị, du lịch biển. Phát triển công nghiệp chế biến thủy sản ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển kinh tế biển, kết hợp với an ninh quốc phòng tại xã Mỹ Thành. Phát triển năng lượng tái tạo, du lịch biển gắn với biển Đông và cảnh quan sinh thái của đầm Đề Gi.
Quy hoạch định hướng bảo tồn cảnh quan và đa dạng sinh học đầm Trà Ổ và Đề Gi, phát triển đầm Trà Ổ trở thành khu du lịch sinh thái của tỉnh; tập trung phát triển đô thị tại 4 xã Mỹ Thọ, Mỹ Thành, Mỹ An và Mỹ Đức đạt chuẩn đô thị loại V; phát triển năng lượng tái tạo tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên tại khu vực; hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển.
Lê Phước Bình