Chính trị

Học theo Bác ở thành phố mang tên Người

12/06/2018 10:05 AM

Nhiều năm nay, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước. Nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu với cách làm hay, mô hình sáng tạo đã được nhân rộng. Đây là sự cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Sau nửa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh, nhiều mục tiêu Đại hội Đảng bộ xác định đang dần thành hiện thực. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của các phong trào thi đua yêu nước. Điểm nổi bật trong phong trào thi đua ấy là sự thực chất, tự nguyện, không hình thức, diễn ra ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Đúng như nhận định của Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương: Từ lâu, phong trào thi đua yêu nước ở TP Hồ Chí Minh luôn hướng vào những việc làm thiết thực, cụ thể, “dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân”.
 


Lớp học vẽ và tư vấn tâm lý của cô Lê Thị Bảo trở thành ngôi nhà yêu thương của trẻ em tự kỷ.


Nhận định đó không phải ngẫu nhiên mà xuất phát từ thực tiễn kết quả phong trào thi đua của TP Hồ Chí Minh suốt những năm qua. Trong khả năng của mình, mọi tầng lớp nhân dân thành phố đều nỗ lực phấn đấu “mình vì mọi người”.
 

Chúng tôi đến thăm trại nấm 10 Sài Gòn (huyện Củ Chi) của anh Bùi Mạnh Thắng, 27 tuổi. Khởi nghiệp từ số vốn ít ỏi, nay anh đã là chủ trại nấm rộng 1.200m2; trừ chi phí mỗi tháng lãi gần 200 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương. Mô hình trang trại nấm là dự án khởi nghiệp đầu tiên của Thắng, được thực hiện sau khi tốt nghiệp THPT năm 2009. Thế nhưng, 3 năm sau trang trại nấm 10 Sài Gòn mới trở thành hiện thực và được xã hội ghi nhận. Thắng tâm sự: “Tôi đã phải vượt qua bao khó khăn trong những ngày đầu khởi nghiệp để tìm tòi, ứng dụng kỹ thuật vào trồng trọt mới có được thành công. Từ thực tiễn ấy, tôi tâm niệm rằng, tự mình cần mẫn vươn lên chiến thắng chính bản thân mình để cống hiến cho xã hội cũng là một cách thi đua yêu nước”.
 

Ở một lĩnh vực khác, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Tước, Tổ trưởng Tổ dân phố 18, Bí thư chi bộ khu phố 5, phường Tân Thuận Tây (quận 7) lại được bà con lối xóm tin yêu bởi sự bền bỉ, kiên trì, trách nhiệm trong công việc. Với phương châm “Gõ cửa từng nhà, rà từng hộ kinh doanh” trên mặt phố, ông Tước đến tận nhà, gặp gỡ hơn 100 hộ kinh doanh, làm dịch vụ để tìm hiểu, giải thích, vận động bà con không lấn chiếm lòng, lề đường. Sau gần một năm kiên trì thuyết phục, đến nay, khu phố 5 đã đường thông, hè thoáng. Nói về “bí quyết” của mình, ông Nguyễn Hữu Tước chia sẻ: “Bác Hồ đã dạy, “không có việc gì khó”, mình làm vì lợi ích tập thể thì cứ ngay thẳng mà làm”.
 

Thiết thực thi đua, học Bác Hồ ở tinh thần sáng tạo, cô Nguyễn Thị Thảo, giáo viên Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình) đã gắn môn học Giáo dục công dân với các hoạt động, phong trào xã hội để thu hút học sinh. Với chủ đề bài giảng “Pháp luật và đời sống”, sau khi nêu khái niệm, mối quan hệ giữa pháp luật với đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật, cô Thảo đã kể câu chuyện Bác Hồ nghiêm chỉnh chấp hành tín hiệu đèn giao thông ngay cả khi Người rất bận rộn, đường đông nhưng vẫn không cho phép chiến sĩ cảnh vệ xuống đề nghị đồng chí công an ưu tiên xe của Bác. Ngoài ra, cô Thảo còn chiếu đoạn video clip về tình hình giao thông hiện nay cho học sinh xem. Sự sáng tạo, mô phỏng trong giảng dạy giúp lớp học trở nên hào hứng, sôi nổi bày tỏ quan điểm, đi đến thống nhất phương pháp, hành vi ứng xử văn hóa, bảo đảm an toàn trong quá trình tham gia giao thông.
 

Đó còn là những tấm gương điển hình thi đua ái quốc, như: Chị Lê Thị Bảo, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật Ếch con, thuộc phường Bến Thành (quận 1), tự nguyện dạy vẽ, hướng dẫn tâm lý cho học sinh tự kỷ, giúp các em tự tin hòa nhập cộng đồng; ông Ba Chúc, ở xóm thuyền chài dưới chân cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh), 40 năm âm thầm cứu vớt người bị nạn; cô giáo Đinh Thị Kim Phấn, ở phường Đa Kao (quận 1), gần 10 năm gắn bó với lớp học tình thương, mang lại con chữ và chút tuổi thơ hồn nhiên, ngắn ngủi cho trẻ em mắc bệnh ung thư; Thượng tá Vũ Duy Hà, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (công an thành phố), “khắc tinh” của tội phạm; dược sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Y, bác sĩ tình nguyện Sài Gòn vượt qua bệnh tật để tổ chức hàng trăm chuyến từ thiện xã hội đến với đồng bào nghèo trên mọi miền Tổ quốc…
 

Mỗi bông hoa một nét riêng, nhưng đều góp sức làm đẹp cho đời. Song, để có sự lan tỏa sâu rộng, theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, thấm nhuần Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ kính yêu, thành phố luôn chỉ đạo phát động, thực hiện sáng tạo, hiệu quả các phong trào thi đua, nhân rộng những điển hình tích cực. Thi đua phải có mục tiêu cụ thể gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị theo phương châm “Đổi mới, sáng tạo để xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, hiện đại”; đồng thời thi đua phải thực chất, mang tính tự nguyện, tự giác gắn với khen thưởng trung thực, khách quan, tạo động lực thi đua ái quốc trong mọi tầng lớp nhân dân.

Yến Long
Nguồn: sggp.org.vn

Lượt xem: 1624
Thiết kế phần mềm Công ty thiết kế phần mềm GSOT GROUP