Quân sự - Quốc phòng

Ngành khoa học kỹ thuật quân sự Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

30/05/2018 9:34 AM

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) mang lại nhiều cơ hội và thách thức, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Học viện Kỹ thuật Quân sự cần làm gì để thích ứng với cuộc cách mạng này là câu hỏi lớn được nêu ra tại Hội thảo Học viện Kỹ thuật Quân sự trước tác động của CMCN 4.0 do học viện tổ chức sáng 29-5.

Trung tướng, GS, TS Nguyễn Công Định, Giám đốc Học viện dự và chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo còn có các đồng chí lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Hội Robot học Việt Nam, cùng các đồng chí trong Đảng ủy Học viện.

Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên và triển khai kế hoạch hành động của hệ thống nhà trường quân đội trước tác động CMCN 4.0 giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo; đề xuất giải pháp để chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa các thành tựu của CMCN 4.0 áp dụng vào đào tạo, nghiên cứu khoa học và sản xuất chế tạo tại học viện.
 


Trung tướng, GS, TS Nguyễn Công Định phát biểu tại hội thảo.


Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng, GS, TS Nguyễn Công Định khẳng định CMCN 4.0 ảnh hưởng vô cùng lớn đến lĩnh vực quân sự. Trong đó một số đột phá về công nghệ gắn với lĩnh vực quân sự. Với sứ mạng là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển, sản xuất chế thử, chuyển giao công nghệ tiên tiến và hội nhập quốc tế, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển ngành khoa học kỹ thuật quân sự Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc CMCN 4.0, học viện cần đổi mới công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH), bảo đảm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu mới trước những ảnh hưởng và thách thức của CMCN 4.0; là đơn vị tiên phong ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 trong quốc phòng, an ninh.

Do đó, hội thảo đã tập trung vào thảo luận, làm rõ một số nội dung: CMCN 4.0 là gì, các tác động đến hoạt động giáo dục nói chung và học viện nói riêng; vai trò của ngoại ngữ và giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu cuộc CMCN 4.0; tác động của cuộc cách mạng đến hoạt động thông tin-thư viện tại học viện; đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và xây dựng cơ chế vận hành hệ thống ứng dụng CNTT của học viện...

Chia sẻ tại hội thảo về vai trò của Robotics hiện đại với CMCN 4.0, GS, TSKH Nguyễn Thiện Phúc, Chủ tịch Hội Robot học Việt Nam cho rằng: Cần thiết phải đổi mới cơ chế chấp hành để đáp ứng được yêu cầu cao của CMCN 4.0 đối với hệ thống thiết bị điều khiển di động và được điều khiển số. Hướng ứng dụng nên tập trung cho công tác an ninh, quốc phòng là chủ yếu như ở nhiều nước đang làm. Robot dịch vụ trong công tác an ninh, quốc phòng có nhiều loại hình phụ thuộc vào công việc robot đảm nhiệm và khí tài mang theo.
 


Ông Nguyễn Huy Dũng trình bày tham luận tại hội thảo


Nêu lên thực trạng về chất lượng nguồn nhân lực CNTT, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Từ thực tiễn triển khai công tác bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) nói chung và công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực CNTT nói riêng, nhận thức về vai trò của người làm ATTT rất khác nhau. Một cơ quan, tổ chức thường chỉ có 1-2 người đảm nhiệm lĩnh vực này. Do đó, người làm ATTT rất đơn độc trong việc chống chọi lại những nguy cơ tấn công từ bên ngoài.

Nguy cơ mất ATTT trong khối cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp rất cao nên họ có nhu cầu rất lớn trong tuyển dụng kỹ sư về an toàn công nghệ thông tin, tuy nhiên chất lượng trình độ sinh viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu này, ông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ.

Phân tích những nhu cầu, đồng thời đề cập đến thách thức và nguyên nhân vì sao doanh nghiệp không thể tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT, đó là ưu đãi về thu nhập so với nhu cầu đề ra, thiếu môi trường làm việc; văn hóa bảo đảm ATTT trong các cơ quan, tổ chức... và dự tính đến năm 2020, cần khoảng 2.000-3.000 sinh viên chất lượng cao tham gia được vào ít nhất 1 trong 3 khâu: Phòng chống tấn công, tấn công và xử lý sự cố.

Do đó, ông Nguyễn Huy Dũng mong muốn Học viện Kỹ thuật Quân sự với vai trò là 1 trong 8 cơ sở trọng điểm đào tạo kỹ sư, cử nhân an toàn CNTT chất lượng cao cần có sự đổi mới nâng cao hàm lượng thực hành hơn nữa trong công tác đào tạo, có sự gắn kết giữa nhà trường và Cục ATTT và các cơ quan chức năng; cùng với 11 trường đang tiến hành đào tạo kỹ sư, cử nhân chuyên ngành ATTT thành lập nhóm chuyên gia tư vấn cho Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về phía bộ, đã có đề án trình Chính phủ một cơ chế đặc thù nhằm đãi ngộ sinh viên có năng lực tốt, ông Nguyễn Huy Dũng cho biết thêm.
 


Cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự trao đổi  tại hội thảo


Chia sẻ kinh nghiệm và định hướng trong thời gian tới về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trước cuộc CMCN 4.0, PGS, TS Chử Đức Trình, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ cho biết trường sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ cao để nâng cao tỉ lệ sinh viên có việc làm đúng ngành nghề và có mức lương cao; tiếp tục đầu tư, nghiên cứu đào tạo một số ngành đào tạo mới như: Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật năng lượng, Hàng không vũ trụ, Robotics và tự động hóa...

Xác định ngoại ngữ là chìa khóa để bước vào cuộc CMCN 4.0, Trung tá Ngô Thị Thu Hà, Phó chủ nhiệm khoa Ngoại ngữ nêu giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, trong đó nhấn mạnh việc nếu được áp dụng công nghệ thực tế ảo để giáo viên và sinh viên thực hành trên môi trường thực tế, thì việc nâng cao chất lượng ngoại ngữ sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi về việc nâng chuẩn ngoại ngữ từ B1 lên B2 sau khi sinh viên tốt nghiệp, giải pháp tạo môi trường học ngoại ngữ cho học viên và những thay đổi căn bản trong động cơ học tập và phương pháp đào tạo của giáo viên.

Hội thảo tiếp tục tập trung vào các vấn đề về hạ tầng CNTT và cơ chế vận hành hệ thống của học viện trong môi trường CMCN 4.0; tăng cường áp dụng công nghệ mô phỏng; xu thế đón cuộc CMCN 4.0 của thư viện...

Sau khi lắng nghe 8 tham luận tham gia trực tiếp trong số 22 tham luận đóng góp vào hội nghị, Trung tướng Nguyễn Công Định khẳng định CMCN 4.0 là cơ hội lớn để Học viện Kỹ thuật Quân sự tiếp cận nhanh với những tiến bộ lớn nhất của KHCN, phát huy tốt vai trò đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển KHCN. Việc phân tích, đánh giá những tác động của CMCN 4.0 để xây dựng định hướng, chiến lược, đề ra những giải pháp phù hợp cho công tác đào tạo và NCKH là nhiệm vụ giúp học viện hoàn thành sứ mạng của một trường đại học trọng điểm quốc gia, một trung tâm NCKH lớn của quân đội và đất nước.

Trung tướng Nguyễn Công Định xác định việc thống nhất nhận thức của chỉ huy các cấp và toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên hiểu rõ bản chất của CMCN 4.0, tác động cũng như thách thức nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy là vấn đề đầu tiên đặt ra đối với học viện.

Cùng với đó, triển khai thực hiện kế hoạch hành động của hệ thống nhà trường quân đội, trong đó xây dựng và đề nghị Bộ Quốc phòng phê duyệt và đề án Nhà trường thông minh tại Học viện Kỹ thuật Quân sự; đổi mới chương trình đào tạo, nội dung đào tạo đáp ứng nhiệm vụ đào tạo, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu của các đơn vị và nghệ thuật quân sự trong tình hình mới; tập trung đào tạo các chuyên gia mũi nhọn về CNTT, ATTT, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng, tự động hóa... từng bước tiến tới làm chủ, nắm chắc vũ khí trang bị kỹ thuật.

Học viện sẽ tiếp tục phát triển hạ tầng CNTT, xây dựng và tích hợp các hệ thống thông tin phục vụ chỉ huy điều hành và công tác quản lý; đầu tư xây dựng tiềm lực đội ngũ giáo viên, trang bị cơ sở vật chất, nâng cao năng lực ngoại ngữ..., Trung tướng, GS, TS Nguyễn Công Định nhấn mạnh.

Bài, ảnh: THU HÀ
Nguồn: qdnd.vn

Lượt xem: 3401
Thiết kế phần mềm Công ty thiết kế phần mềm GSOT GROUP