Đất và người Khu 7

Tiếp thêm lòng yêu nước

06/05/2018 9:21 AM

Tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang diễn ra triển lãm chuyên đề “Thư, nhật ký thời chiến”. Chỉ với gần 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật nhưng đã để lại sự xúc động đối với người xem. Mỗi lá thư, cuốn nhật ký đều như chứa lửa-ngọn lửa của tình yêu quê hương, đất nước, căm thù quân xâm lược. Các hiện vật cũng thể hiện sự lạc quan, ý chí sắt đá tạc nên tâm hồn thời đại và tiếp thêm nguồn cảm hứng bất tận cho thế hệ kế tiếp.

Sức truyền cảm từ những tâm hồn đồng cảm

Đất nước hòa bình thống nhất, thế hệ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh kiêu hãnh, tự hào nhận lãnh trách nhiệm làm chủ đất nước từ cha anh. Một đất nước tự do, hạnh phúc đã được đổi bằng máu xương và nước mắt của bao thế hệ. Đôi khi những người trẻ cũng cắc cớ tự đặt câu hỏi: Khi xả thân hy sinh vì đất nước, những chàng trai, cô gái ở độ tuổi mười tám, đôi mươi như mình hôm nay đã nghĩ gì? Câu trả lời thì dễ nhưng cách trả lời mới khó, bởi không khéo nó sẽ thành giáo điều, răn dạy, thành ra thiếu sức thuyết phục. Triển lãm “Thư, nhật ký thời chiến” đã có được sự đồng cảm với người xem, đặc biệt là thế hệ trẻ.  
 

Ông Lê Đức Tuấn, nguyên họa sĩ Báo Quân đội nhân dân, người có bộ nhật ký bằng tranh tại chiến trường Tây Nguyên năm 1967-1968 là một trong những nhân vật của cuộc triển lãm này. Ánh mắt tự hào xen lẫn niềm xúc động, ông kể với khách tham quan sự tích của từng bức tranh, những câu chuyện chiến trường. Các sinh viên Trường Đại học Thủ đô đặc biệt thích thú với hành trình của cuốn nhật ký từ chiến trường sang Mỹ rồi trở về Việt Nam. Sau sự trở về của cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, dường như đã có một “phong trào” trao trả kỷ vật của những người lính Mỹ như nhật ký của họa sĩ Lê Đức Tuấn, liệt sĩ Nguyễn Văn Nam... Phải chăng đó là sự thấu cảm của người ở đầu kia chiến tuyến? Hay chính tình yêu quê hương đất nước, tâm hồn và lý tưởng cao đẹp của những người con đất Việt cũng khiến đối phương phải trân trọng gìn giữ.
 

Tiểu đội trưởng TNXP Võ Thị Tần ở ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) đã viết những dòng dưới đây trong lá thư gửi mẹ: “… Ở đây vui lắm mẹ ạ! Ban đêm giặc Mỹ soi sáng cho chúng con làm đường, ban ngày chúng ném bom giết cá cho chúng con cải thiện, bom đạn có thể làm rung chuyển núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển trái tim chúng con mẹ ạ…”. Rồi những dòng nhật ký của các: O Rạng, o Xuân, o Hà… với lời ghi mộc mạc, chân thành mà vẫn toát lên lý tưởng cao đẹp; của chiến sĩ Nguyễn Bá Hạnh cùng nhiều chiến sĩ trực tiếp cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận hứa với mẹ quyết tâm chiến đấu cho đến ngày đất nước sạch bóng quân thù. Khi viết ra những dòng thư ấy, họ còn rất trẻ, tuổi đời từ 16 đến ngoài 20, mỗi người một mặt trận, một nhiệm vụ nhưng chung nỗi nhớ, chung niềm lạc quan, lý tưởng… Những tâm sự của họ gây xúc động cho người xem.
 

Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Lan Hương, cán bộ Phòng Trưng bày-Tuyên truyền, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, người trực tiếp xử lý nội dung các hiện vật trưng bày trong triển lãm “Thư, nhật ký thời chiến”, tâm sự: “Khi đọc những tài liệu này, tôi rất xúc động và biết người xem sẽ tìm được sự đồng cảm. Những lá thư, những trang nhật ký là những tâm sự hết sức cá nhân được ghi lại dọc đường hành quân, trong giờ nghỉ, trên thao trường, tất cả đều đầy ắp tình cảm của người viết ra. Tôi đã cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh của họ để trích dẫn ra những đoạn hay nhất”.
 


Các đại biểu tham quan triển lãm "Thư, nhật ký thời chiến" tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.


Còn nhiều thủ pháp thể hiện

"Triển lãm thư và nhật ký thời chiến kiểu này là “thể loại” lạ, độc đáo và khá hiếm gặp trên thế giới"-Đó là khẳng định của GS, TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học. Ông thể hiện sự thích thú, quan tâm tới nhiều hiện vật được trưng bày trong triển lãm. Khi được hỏi về suy nghĩ của ông đối với triển lãm, GS, TS Nguyễn Văn Huy nói: “Tôi nghĩ thư và nhật ký là những hiện vật quý của lịch sử ở nhiều bảo tàng trên thế giới. Họ dùng những hiện vật ấy để kể những câu chuyện về chiến tranh hoặc những thời khắc đặc biệt. Điều đó cho thấy thư và nhật ký có vị trí rất quan trọng. Tôi nghĩ triển lãm “Thư, nhật ký thời chiến” này là một hoạt động rất hay. Như tôi thấy trong phòng trưng bày này đã cố gắng thể hiện những ý tưởng mới, đặc biệt về mặt thiết kế cũng như trưng bày, làm cho hiện vật vốn câm lặng trở nên sống động trong đời sống hiện nay”.
 

Được biết GS, TS Nguyễn Văn Huy là một người rất có nghề trong tổ chức, thiết kế và quảng bá hoạt động bảo tàng, qua bàn tay gây dựng và sự tư vấn của ông, đã có rất nhiều bảo tàng từ yếu kém trở nên thành công. Khi tôi trình bày một số cảm nhận rằng ở triển lãm “Thư, nhật ký thời chiến”, người xem phải đọc nhiều quá, dù rằng nội dung rất hay, nhưng sợ người đọc, người xem không đủ thời gian. GS, TS Nguyễn Văn Huy vui vẻ nói: “Đây là một vấn đề, tôi thấy có những hiện vật gốc người ta có thể tận mắt chiêm ngưỡng nhưng thường là những hiện vật rất nhỏ và khó xem, do đó việc lựa chọn truyền tải thông tin nào là rất quan trọng. Hạn chế của triển lãm này là quá tham thông tin. Theo tôi, không cần đăng toàn văn, mà chỉ cần trích dẫn một đoạn, một câu để người xem cảm nhận nhanh, tạo ra sức hấp dẫn, để văn bản dài quá sẽ ảnh hưởng đến sự thích thú của người xem”.
 

Trung tá Lê Vũ Huy, Trưởng phòng Trưng bày-Tuyên truyền của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã cho biết: "Về ý tưởng thì triển lãm “Thư, nhật ký thời chiến” đã có từ khá lâu rồi, đây cũng là một nội dung được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam xây dựng tại địa điểm mới trong tương lai". Khi được hỏi liệu có cách trưng bày nào tốt hơn không? GS, TS Nguyễn Văn Huy nói: “Trên cơ sở hiện vật và chất liệu có sẵn, theo tôi việc ứng dụng vào bảo tàng tương lai chắc là phải làm lại hoàn toàn, bởi bây giờ có nhiều thủ pháp, cách thể hiện các bức thư này. Ví dụ, chúng ta có thể thể hiện trên màn hình lớn trình chiếu, trích một vài dòng, vài đoạn trong thư hoặc phỏng vấn cựu chiến binh nói về bức thư của mình; phỏng vấn thân nhân nói về tình cảm của họ với bức thư. Nói chung, có rất nhiều cách để làm cho bức thư sống động hơn”.
 

Có thể khẳng định, triển lãm “Thư, nhật ký thời chiến” là một triển lãm thành công. Triển lãm không chỉ gây xúc động đối với người xem mà còn truyền tải được thông điệp về lý tưởng, tình yêu quê hương đất nước, phản ánh tâm thế thời đại của một lớp người. Hy vọng bảo tàng sẽ tiếp thu ý kiến chuyên gia để phần trưng bày này trong bảo tàng tương lai có thêm nhiều sức hút.

Bài và ảnh: LÊ ĐÔNG HÀ
Nguồn: qdnd.vn

Lượt xem: 1646
Thiết kế phần mềm Công ty thiết kế phần mềm GSOT GROUP